Phát triển kinh tế đêm để giữ chân du khách ở TP. HCM

Cập nhật: 07/10/2022
Chiều 6-10, Chủ tịch HĐND TP. HCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp ngành du lịch trên địa bàn thành phố. Ngoài hiến kế phát triển các sản phẩm du lịch, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị được vay vốn ưu đãi, giảm tiền điện, giảm thuế giá trị gia tăng…

Theo bà Đặng Thị Thy Thanh, Phó Tổng Giám đốc BenThanh Tourist, doanh nghiệp đang rơi vào cảnh khó chồng khó về dòng tiền, vốn vay… Đặc thù của ngành du lịch là thu hộ, chi hộ, biên độ lợi nhuận rất nhỏ, nhưng trong quá trình làm việc, một số đối tác lớn lại muốn quyết toán ngay sau khi bán tour, gây khó cho doanh nghiệp trong việc thu xếp dòng tiền chi trả. Việc tiếp cận vốn vay hiện rất khó, lãi vay tăng… là nỗi lo lớn của doanh nghiệp. Ngoài ra còn hàng loạt khó khăn liên quan đến chi phí đầu vào, từ nhân sự đến chi phí hoạt động. 

Chiều 6-10, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì hội nghị  gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp ngành du lịch trên địa bàn thành phố. Ảnh: Việt Dũng

Bà Đặng Thị Thy Thanh đề xuất có cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp du lịch như được tiếp cận nguồn vốn; kéo dài một số chính sách hỗ trợ đến hết năm 2023 (như giảm thuế giá trị gia tăng, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp…). Ngoài gói hỗ trợ cho người lao động, cần giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập cho doanh nghiệp, hỗ trợ công tác đào tạo nhân lực.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, kiến nghị thành phố có chính sách “hà hơi tiếp sức” doanh nghiệp kịp thời. Cần gắn kết du lịch ngày và đêm, phát triển đồng bộ sản phẩm kinh tế đêm (văn hóa, ẩm thực, điểm tham quan…) để giữ chân khách lưu trú tại TP. HCM lâu hơn. Ngành giao thông phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch để các tour, tuyến đưa đón khách đúng lịch trình, giúp chương trình tham quan trọn vẹn. Sớm  bổ sung đội ngũ hướng dẫn viên biết nhiều ngôn ngữ như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… để thay thế nhân sự đã chuyển ngành. 

Về lâu dài, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài, đề xuất TP. HCM nên có thêm nhiều hoạt động tôn vinh di sản văn hóa. Hiện tại, Việt Nam có 15 Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, nhưng chưa khai thác hiệu quả dù hoàn toàn đủ tiềm lực. Thành phố có thể tổ chức lễ vinh danh và giới thiệu các di sản này thường xuyên đến du khách, để họ hiểu về nền văn hóa đặc sắc của Việt Nam. 

Đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết của doanh nghiệp, đồng chí Nguyễn Thị Lệ cho biết, HĐND thành phố ghi nhận đầy đủ các ý kiến đóng góp của quý doanh nghiệp tại hội nghị, sau đó phân nhóm, chuyển trực tiếp đến UBND TP. HCM cũng như các sở ngành liên quan để có trách nhiệm trả lời, giải quyết cụ thể từng nội dung mà doanh nghiệp đề xuất. 

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP. HCM, các sở ban ngành quan tâm đến một số vấn đề cụ thể, sớm hoàn thiện và công bố Chiến lược phát triển du lịch TP. HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống các sản phẩm du lịch đặc trưng, có các kế hoạch phát triển ngành và công tác quảng bá xúc tiến du lịch, thúc đẩy liên kết vùng để phát triển chuỗi sản phẩm du lịch, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao… 

Trong 9 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch TP. HCM đón hơn 2,1 triệu lượt khách quốc tế và 21,6 triệu lượt khách nội địa, tổng thu ước đạt 92.376 tỷ đồng, tăng 15,5% so với kế hoạch đề ra, góp phần tạo nên điểm sáng cho kinh tế TP. HCM. 

Thi Hồng

Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng - sggp.org.vn - Ngày đăng 06/10/2022