Phát triển nghề truyền thống, tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển du lịch trải nghiệm là hướng đi hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân nhiều địa phương trong tỉnh. Mô hình du lịch cộng đồng của gia đình bà Vù Thị Súa ở thôn Nậm Than, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa là một điển hình như vậy.
Đều đặn mỗi tuần 1 lần, bà Vù Thị Súa lại tập hợp một số nghệ nhân trong thôn để làm giấy bản truyền thống của người Mông. Với nguyên liệu 100% từ thân cây tre, những tấm giấy bản thủ công được tạo ra bởi đôi bàn tay khéo léo của những người nghệ nhân ở thôn Nậm Than, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa.
Bà Súa chia sẻ: "Tôi làm giấy một phần là để phục vụ du khách vào xem, thứ hai là phục vụ người dân trong thôn mỗi khi làm lễ…".
Bà Súa (trái) vẫn giữ nghề truyền thống làm giấy bản của dân tộc mình.
Cùng với nghề thủ công truyền thống, tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi, gia đình bà Súa đã mở dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng phục vụ du khách đến ngắm những thửa ruộng bậc thang và trải nghiệm nghề may mặc truyền thống của người dân bản địa. "Nếu không làm thì sau này các con, cháu sẽ không biết đến nghề truyền thống của dân tộc nữa. Vì vậy, tôi tổ chức làm, một số bà con trong thôn, trong xã cũng cùng làm với tôi", bà Súa cho biết thêm.
Ông Vù A Trùng, Bí thư Đảng ủy xã Liên Minh cho biết: "Trên địa bàn xã hiện có 5 đồng bào dân tộc cùng sinh sống, mỗi đồng bào dân tộc có bản sắc độc đáo riêng. Như đồng bào Xa Phó đang duy trì các đội văn nghệ thường xuyên biểu diễn phục vụ du lịch; đồng bào Mông, Dao cũng có những nét văn hóa riêng… Chính vì vậy, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng dịch vụ du lịch homestay trên địa bàn".
Xã Liên Minh có 6 cơ sở du lịch homestay đang duy trì, phát triển các làng nghề truyền thống, gắn với khai thác bản sắc văn hóa độc đáo của người dân để phát triển du lịch, tạo ra nguồn thu nhập khá cho các hộ gia đình.
Thào Sếnh – Thành Thuận