Bảo tàng Lâm Đồng vừa tổ chức triển lãm Di sản văn hóa, thiên nhiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Không gian triển lãm khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Trong không gian kiến trúc nghệ thuật Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt – Di tích cấp quốc gia, Công trình được công nhận là một trong 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế kỷ 20, Bảo tàng Lâm Đồng đã giới thiệu 43 di sản thuộc 7 loại hình: Di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản hỗn hợp, di sản tư liệu, công viên địa chất toàn cầu, khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Đất nước, con người Việt Nam có bề dày lịch sử, nền văn hoá đa dạng, hệ sinh thái phong phú, tính đến nay đã có 43 di sản được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới ở 7 loại hình. Cụ thể, các Di sản thiên nhiên thế giới: Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Di sản văn hóa vật thể: Quần thể di tích cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Thành nhà Hồ, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.
Di sản thế giới hỗn hợp: Quần thể danh lam thắng cảnh Tràng An (Ninh Bình).
Di sản văn hóa phi vật thể: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ Bắc Ninh, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc Sơn, Hát xoan ở Phú Thọ, Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, Nghi lễ và trò chơi kéo co, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, Nghệ thuật hát bài chòi Trung Bộ, Nghệ thuật múa xòe Thái và thực hành hát then của người Tày – Nùng – Thái.
Di sản tư liệu: Mộc bản triều Nguyễn, Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc, Mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế, Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh) hoàng hoa sứ trình đồ.
Công viên địa chất toàn cầu: Cao nguyên đá Đồng Văn, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, Công viên địa chất Đắk Nông.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới: Rừng ngập mặn Cần Giờ, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Khu dự trữ sinh quyển Châu thổ Sông Hồng, Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang, Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, Khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau, Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa, Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng.
Cùng với những hình ảnh phong phú, sống động triển lãm đưa đến cho công chúng cái nhìn tổng quát từng di sản, lịch sử hình thành phát triển, kiến tạo địa chất (với di sản thiên nhiên) ý nghĩa văn hoá tâm linh, văn hoá tinh thần của từng di sản.
Trong đó, Lâm Đồng tự hào lưu giữ và nằm trong không gian của 3 di sản thế giới được UNESCO vinh danh gồm: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang, Mộc bản triều Nguyễn.
Triển lãm nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hoá.
Triển lãm kéo dài từ nay đến hết tháng 10/2022. Đây là hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm Ngày Di sản Việt Nam 23/11.
Quỳnh Uyển