Làng cổ giữa đảo du lịch Hòn Tằm

Cập nhật: 25/05/2009
Những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi được phục dựng với giếng nước, hàng cau, bờ giậu, bụi chuối bên hiên nhà, bức bình phong hay lò gạch đốt củi thời xưa là điểm nhấn nhằm thu hút du khách của khu du lịch đảo Hòn Tằm. Từ thành phố Nha Trang, chỉ mất  5-7 phút đi ca nô trên biển, khách đã được ngắm nhìn ngôi làng cổ đặc trưng của Việt Nam trên hòn đảo xinh đẹp này.

Từ đam mê sưu tầm... nhà cổ

Thực ra, trước khi được di dời ra đảo Hòn Tằm, ngôi làng cổ Hoàng Hoa Thôn đã tọa lạc tại thôn Phước Thượng, xã Phước Đồng, ngoại ô thành phố Nha Trang từ nhiều năm qua. Có người bảo đó không phải là những ngôi nhà cổ, người thì nói na ná như nhà cổ nhưng dù nói gì đi nữa, chủ nhân của nó đã cố gắng tạo dựng một ngôi làng mang hơi hướng cổ của làng quê miền Trung.

Chủ nhân của Hoàng Hoa Thôn là ông Nguyễn Văn Phúng, 47 tuổi, một người chuyên tạo núi giả và sưu tầm đá cảnh cũng như tạo ra những cánh rừng cảnh quan được nhiều người biết tiếng. Trong quá trình sưu tập đá, ông lặn lội khắp các vùng quê, rừng núi và rồi gắn với sưu tầm nhà cổ lúc nào không hay. Vậy là ông mang về phục dựng một ngôi làng cổ rộng hơn 400 mét vuông hơn bảy năm qua.

Hoàng Hoa Thôn bao gồm năm ngôi nhà cổ trên 100 năm tuổi, có căn nhà mà ông Phúng cho là có thể đã lên tới 200 năm tuổi, trong đó có một gian nhà 36 cột gần như còn nguyên vẹn với các vật dụng của nông thôn xưa như cối xay lúa, đèn măngsông thắp dầu thời đầu thế kỷ 20, bàn, tủ, liễn, tráp...

Mặc dù giới nghệ nhân sưu tầm đồ cổ, đá cảnh đều có chung nhận định Hoàng Hoa Thôn là bảo tàng về nhà và vật dụng cổ điển ở nông thôn Nam Trung bộ nhưng ông Phúng lại khiêm tốn cho rằng, ông muốn tìm cách giữ lại những ngôi nhà cổ để các thế hệ sau này còn biết được ông cha ngày xưa sinh sống như thế nào, xay lúa giã gạo, lấy nước uống ra sao.

Nhà cổ không chỉ... cổ

Ông Đoàn Văn Trang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hòn Tằm biển Nha Trang, chủ đầu tư khu du lịch Hòn Tằm, cho biết việc di dời Hoàng Hoa Thôn ra đảo và phục dựng nguyên trạng theo ý tưởng của nghệ nhân Nguyễn Văn Phúng, cũng như việc đưa thêm các loại hình văn hóa dân tộc vào ngôi làng cổ, dù có khó khăn nhưng đó là cách mà khu du lịch Hòn Tằm giới thiệu những nét văn hóa dân tộc cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Theo ông Trang đó cũng chính là cách tạo ra sự khác biệt, tránh cho du khách khỏi nhàm chán.

Ông lấy trường hợp một Việt kiều về Việt Nam đi du lịch, ghé Hoàng Hoa Thôn, không chỉ cảm nhận lại vùng quê của nền nông nghiệp lúa nước, mà ở đó anh ta còn nghe tiếng đàn bầu réo rắt, nghe đàn đá đặc trưng của Nam Trung bộ, tiếng sáo, tiếng chim cu gáy mà ở các nước không thể có hay ở trong nước thì khó tìm.

Chính vì vậy nên ngoài việc bắt tay cùng nghệ nhân Nguyễn Văn Phúng để đưa Hoàng Hoa Thôn ra đảo, khu du lịch Hòn Tằm còn nâng tầm ngôi làng cổ này lên với các loại hình nghệ thuật, dịch vụ như xem dệt thổ cẩm của người Chăm, nghe hát bộ, hay trộn đất làm gạch hoặc đồ gốm và nung tại chỗ.

“Phục dựng Hoàng Hoa Thôn trên đảo đã khó nhưng làm sao để tạo hồn cho ngôi làng cổ, tạo dấu ấn trong lòng du khách còn khó hơn nhiều”, ông Trang nói. Hiện khu du lịch này đã cho người đi khắp cả nước tìm kiếm các nghệ nhân về kéo sợi dệt lụa, dệt thổ cẩm, bỏ ra hàng trăm triệu đồng để cử người đi học hát bộ, học các môn nghệ thuật truyền thống của người Việt xưa tại các cơ quan nghiên cứu nghệ thuật ở Hà Nội, TPHCM.

Ông Trang cho biết đang nhắm tới việc tái hiện lại các lễ hội dân gian như lễ hội dâng hương Hải Thượng Lãn Ông của ngành y trong ngày thầy thuốc Việt Nam; hay lễ hội dâng hương nhân ngày Nhà giáo Việt Nam tại ngôi làng này. “Một phần nhỏ lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc sẽ được tái hiện ở làng cổ này”, ông Trang nói về ý tưởng lâu dài của Hoàng Hoa Thôn, còn nghệ nhân Phúng thì cho rằng, chính vì những ý tưởng độc đáo của khu du lịch Hòn Tằm, như một cách nâng tầm văn hóa cho Hoàng Hoa Thôn, nên ông mới đồng ý cho di dời làng cổ ra đảo.

Nguồn: TBKTSG