Tại kỳ họp thứ 21 của Uỷ ban Điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển (MBA) của Tổ chức UNESCO nhóm họp tại Jeju, Hàn Quốc từ ngày 21-29/5/2009, thảo luận các hoạt động chung, đồng thời xét duyệt các hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cù Lao Chàm và Mũi Cà Mau đã được MBA bỏ phiếu thuận chính thức công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào sáng 26/5/2009.
Cùng với Cù Lao Chàm và Mũi Cà Mau của Việt Nam, còn có 3 khu dự trữ sinh quyển của một số quốc gia khác được công nhận đợt này, nâng tổng số khu dự trữ sinh quyển trên toàn thế giới lên 22 khu.
Được biết, ngày 25/5, nhiều ý kiến của đại biểu MBA của UNESCO cho rằng bộ hồ sơ về Cù Lao Chàm của Việt Nam còn giải thích chưa rõ và điều chỉnh tiêu chí giữa Khu Di sản và Khu Dự trữ sinh quyển, nhưng các chuyên gia Việt Nam và một số nhà khoa học nước ngoài đã kịp thời bổ sung.
Việc Cù Lao Chàm và Mũi Cà Mau được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới là niềm tự hào, đồng thời đặt ra trách nhiệm rất nặng nề trong công việc gìn giữ, phát huy giá trị trong tương lai.
Hiện Cù Lao Chàm là điểm đầu tiên của Hội An đang thực hiện triệt để chiến dịch "nói không" với bao nylon để bảo vệ môi trường sống. Ngay trước đó, hơn 600 hộ gia đình, hộ kinh doanh và các đơn vị đóng tại Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp - Hội An) đã cùng nhau ký vào bản cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, chung tay bảo vệ môi trường biển đảo bằng chính ý thức và hành động cụ thể của người dân xã đảo.
Chính quyền xã đảo Tân Hiệp cũng đã tiến hành phát miễn phí gần 3.000 túi ni-lông tự huỷ và hơn 1.300 giỏ đi chợ bằng nhựa đến các hộ gia đình, hộ kinh doanh và cả khách du lịch đến tham quan đảo Cù Lao Chàm. Đồng thời, chính quyền thành phố Hội An vận động người dân và du khách không mang theo túi ni-lông về đảo Cù Lao Chàm.
(TTTTDL)