Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cần có cơ chế bảo vệ nguồn tài nguyên

Cập nhật: 03/06/2009
Bảo tồn hệ sinh thái biển nhưng không làm ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân; giúp cộng đồng khai thác bền vững các nguồn tài nguyên của địa phương... là mục tiêu của Dự án Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tam Hiệp - thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã được triển khai từ vài năm nay. Thế nhưng, gần dây tình trạng khai thác quá mức các nguồn lợi tự nhiên ở đây đang đặt ra những thách thức mới cho công tác bảo tồn.

"Săn lùng" đặc sản                          

Tôm hùm là loài động vật biển rất có giá trị kinh tế cao ở Cù Lao Chàm. Hầu hết tôm hùm ở đây đều sinh sống tại các vùng rạn san hô và thảm thực vật dưới biển ở độ sâu 1 - 60 mét. Theo khảo sát của các nhà khoa học, Cù Lao Chàm có 4 loài tôm hùm phổ biến là tôm hùm xô, tôm hùm đỏ, tôm hùm đá và tôm hùm mốc với trọng lượng bình quân từ 1 - 2kg/con. Tuy nhiên, gần đây, tôm hùm bị săn lùng ráo riết, bởi loại hải sản này có giá trị kinh tế cao. Theo thống kê của Đội tuần tra bảo tồn biển Cù Lao Chàm, ngoài 43 người khai thác tôm hùm "chuyên nghiệp", ở Cù Lao Chàm tuân thủ các quy định về đánh bắt của các ngành chức năng thì việc các ngư dân ở nhiều địa phương lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định gần đây đã đổ xô về vùng biển Cù Lao Chàm để khai thác tôm hùm khiến cho nguồn lợi hải sản sản này có nguy cơ cạn kiệt. Các hình thức đánh bắt phổ biến như lặn, soi, đánh lưới, thậm chí dùng hóa chất để khai thác cả trong "mùa cấm" nhưng chưa được ngăn chặn một cách triệt để.     

Ngoài tôm hùm, các loài đặc sản ở Cù Lao Chàm như ốc vú nàng, cua đá cũng bị săn lùng ráo riết. Gần đây một số người còn đổ sô khai thác loài lan nhung, một loài sâm biển đặc biệt quý hiếm ở Cù Lao Chàm. Hiện đảo Tân Hiệp có khoảng 40 người chuyên khai thác ốc vú nàng và điều đáng nói là đã khai thác loài đặc sản này hầu như ở mọi kích cỡ. Loại ốc con (5-6 cm) bị khai thác nhiều nhất và quanh năm với trung bình mỗi người có thể khai thác 1,5- 3 kg ốc vú nàng/ ngày. Bởi vậy loại hải sản đặc trưng ở Cù Lao Chàm này ngày càng khan hiếm và kích thước ốc vú nàng càng bé lại. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường nước, nhất là các vết dầu loang trên biển cũng là nguyên nhân khiến nguồn lợ hải sản và ốc vú nàng mỗi ngày càng cạn kiệt.      

Một thống kê khác của Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho thấy, sản lượng cua đá hiện nay trên đảo đã giảm 80% so với trước đây. Cũng giống các loài đặc sản khác, cua đá là món ăn ưa thích của khách du lịch khi đến đảo Cù Lao Chàm nên nguồn lợi này cũng bị khai thác một cách kiệt quệ. Ngoài việc tiêu thụ tại chỗ, một lượng lớn cua đá được khai thác chuyển về đất liền tiêu thụ nhưng vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải đề ra các cơ chế quản lý nghiêm ngặt hơn nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên quý hiếm trên hòn đảo đang được UNESCO xem xét công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam.

                                         

 Cần một cơ chế chặt chẽ   

 Tại cuộc Hội thảo về xây dựng kế hoạch quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm tổ chức mới đây, bà Trần Thị Hồng Thúy, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, từ khi triển khai đến nay, dự án bảo tồn biển ở Cù Lao Chàm đã thu được những kết quả đáng mừng, nhất là ngư dân địa phương đã nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên và dần dần giảm đi tình trạng khai thác tài nguyên theo kiểu hủy diệt. Bên cạnh đó, dự án đã "tiếp sức" cho nhiều hoạt động thiết thực như bảo vệ môi trường, các dự án dân sinh và sinh kế của cộng đồng dân cư xã đảo Tân Hiệp không ngừng phát triển theo hướng bền vững. Tuy nhiên, hiện nay thực trạng khai thác quá mức nguồn tài nguyên của ngư dân các vùng lân cận, sự phát triển của dich vụ du lịch, việc xử lý nước, rác thải còn nhiều bất cập đang trở thành áp lực cho việc bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Mặt khác tình trạng khai thác cát xây dựng trên bãi biển của người dân địa phương cũng đang là điều nan giải. Tất cả những áp lực này khó giải quyết triệt để bởi khung pháp lý còn khá lỏng lẻo.    

Điểm thuận lợi là hầu hết cộng đồng dân cư ở Cù Lao Chàm đều thống nhất đề nghị Nhà nước tăng cường thực thi pháp luật, cấm triệt để việc khai thác bừa bãi nguồn tài nguyên của địa phương. Đề nghị thành lập những tổ, đội khai thác và bảo vệ các nguồn tài nguyên này. Điều đã được đề ra nhưng chưa được thực hiện vì còn vướng cơ chế, nhất là trong thời điểm hiện tại Cù Lao Chàm đang có những dự án du lịch và các công trình an ninh quốc phòng đang được đầu tư. Mặt khác, các hoạt động kinh tế, xã hội, du lịch, giao thông… cũng ảnh hưởng đến việc bảo tồn các nguồn tài nguyên này. Theo ý kiến của Phó Chủ Tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang, việc phối hợp và phân công cụ thể nghiệp vụ cho các ngành, địa phương là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả của công tác bảo tồn ở Cù Lao Chàm. Ngoài ra, việc xử lý rác thải phải thực hiện theo phương án khả thi nhất. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cũng đề nghị khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm nhanh chóng xây dựng kế hoạch quản lý cụ thể, chặt chẽ hơn theo quy định quản lý nhà nước hiện nay. Hội thảo cũng đã nêu lên yêu cầu về sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành và chính quyền địa phương, nâng cao nhận thức của người dân gắn liền với việc bảo vệ nguồn tài nguyên biển.     
Nguồn: Monre.gov.vn