Khai mạc Festival làng nghề Việt Nam 2022

Cập nhật: 03/11/2022
Đây là hoạt động nhằm quảng bá, tuyên dương các làng nghề truyền thống, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, thu hút đầu tư, khôi phục - phát triển nghề, tăng cường liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, phát triển sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường.

Cắt băng khai mạc Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 (Ảnh: HNV)

Tối 2/11, tại Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), “Festival làng nghề Việt Nam năm 2022” chính thức khai mạc. Theo đó, 2 trong chuỗi 7 hoạt động của sự kiện là Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 và Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2022 cũng đồng loạt được diễn ra. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan dự và phát biểu khai mạc.

Hội chợ có quy mô 150 gian hàng đến từ 22 tỉnh, thành phố trong cả nước trưng bày các mặt hàng nông lâm thủy hải sản, lương thực, thực phẩm, trái cây đặc sản vùng miền và hàng thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề truyền thống.

Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam gắn với Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 nhằm tôn vinh, khơi dậy và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi phát huy ý tưởng sáng tạo những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tính mới, kỹ thuật, mỹ thuật, ứng dụng cao và đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế; Tạo môi trường để các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kết nối xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm; Qua đó góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, tạo thêm nhiều việc làm, giá trị gia tăng, phát triển các sản phẩm trên thị trường quốc tế và giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu khai mạc (Ảnh: HNV)

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, nghề và làng nghề truyền thống đã tồn tại và phát triển như một phần không thể tách rời lịch sử của dân tộc ta. “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030" vừa mới được phê duyệt hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh tới giá trị và ý nghĩa của tinh hoa truyền thống Việt đồng thời khẳng định về hàm ý câu chuyện gắn với mỗi sản phẩm nông nghiệp thời kỳ mới cũng như tư duy kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Nhân dịp này, Bộ trưởng cũng có những đánh giá, chỉ đạo sát sao đối với phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển ngành nghề nông thôn nói riêng. Đồng thời, định hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cả ở trong nước và ngoài nước. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo mà Nghị quyết 19 của Bộ Chính trị về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm trong khuôn viên Hội chợ (Ảnh: HNV)

Năm nay, Ban tổ chức đã trao 01 giải Đặc biệt; 05 giải Nhất; 10 giải Nhì; 15 giải Ba; 17 giải Khuyến khích cho các nghệ nhân tham dự Hội thi. Tất cả các sản phẩm đạt giải được tặng kèm theo Kỷ niệm chương, Bằng chứng nhận sản phẩm đạt giải của Ban Tổ chức Hội thi. Riêng đối với các giải đặc biệt, giải nhất còn được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Các sản phẩm đạt giải nhì, giải ba và khuyến khích được tặng Giấy khen của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT. Đặc biệt, các sản phẩm đạt giải đặc biệt, nhất và giải nhì được đề cử tham gia cuộc thi hàng thủ công thế giới.

Năm nay, giải đặc biệt của Hội thi thuộc về sản phẩm “Bàn ăn mây tre” của nghệ nhân Kha Văn Thương, một người con của núi rừng đến từ huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An với ý tưởng từ sự bao la của đất trời, bàn hình tròn thể hiện sự mong ước mọi việc vẹn toàn của những người làm việc nhà nông trong khi chân bàn là sự mô phỏng hình dáng của những ngọn núi nơi những ánh mặt trời, những ánh sáng trăng luôn xuất hiện mỗi ngày đêm đem ánh sáng đến với bản làng nơi những cộng đồng người Thái với hoa văn thổ cẩm hình quả trám đặc trưng đang sinh sống…

Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức cũng phát động “Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024” với tin tưởng và hy vọng đây sẽ tiếp tục là động lực giúp các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế phát huy khả năng thiết kế, sáng tạo các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề truyền thống, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Song song, Ban tổ chức đã cắt băng khai mạc “Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18” với hơn 100 đơn vị doanh nghiệp tham dự cùng đa dạng các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản và đặc biệt là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đến từ các làng nghề, phố nghề truyền thống trong cả nước./.

Hà Anh

Nguồn: Báo Đảng cộng sản - dangcongsan.vn - Đăng ngày 03/11/2022