Bình Thuận: khu nghỉ biển (resort) che khuất mặt tiền của biển

Cập nhật: 04/06/2009
Từ TP Phan Thiết, phải chạy xe hơn chục km tới đá Ông Địa, bạn mới thực sự gặp biển. Muôn vàn con sóng ùa vào phủ trắng ghềnh đá, như mời mọc đón chào bạn. Nhưng từ đây chạy vài ba km nữa trên đường Nguyễn Đình Chiểu, đến tận chùa Phước Thiền, có nhìn mỏi mắt bên tay phải, bạn cũng không thấy biển nữa. Cả vài cây số bờ biển tuyệt đẹp bỗng biến đâu mất – vô vàn resort san sát, giăng kín “mặt tiền”, che khuất biển.

Biển ở đây đã là của các resort, đúng hơn là của khách Tây và khách nội địa cao cấp.

Đã có nhiều lời ca thán của dân bản địa và khách du lịch, vì không còn lối nào dẫn ra biển, không còn bãi tắm cộng đồng nào, ở khu vực này. Nghe nói: quy hoạch đô thị du lịch ven biển, phải xây dựng cách bờ biển 300 - 500 mét (tức là phải bên kia đường Nguyễn Đình Chiểu) chứ không phải như thế này. Bởi vì biển là của mọi người, không phải của resort A, resort B…

Không phủ nhận được các resort nằm sát mép biển nên rất yên tĩnh, biệt lập. Khách không phải mặc đồ tắm băng qua đường (đỡ ngại ngùng, giảm tai nạn giao thông). Cả quần thể kiến trúc nhà hàng, phòng nghỉ, bể bơi, sân vườn, hòa với biển làm một. Có phải nét riêng của khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né, là khu vực dành cho khách cao cấp và khách bình dân, rất biệt lập?

 

Nhớ đến các bãi tắm như: Bãi Trước, Bãi Sau (Vũng Tàu), bãi biển đường Trần Phú (Nha Trang), mặt tiền rộng thoáng, gió biển lồng lộng, lại thấy tiếc cho cả 3 km mặt tiền bờ biển Phan Thiết bị che khuất này.

Và nếu 15 – 20 năm sau, mực nước biển dâng cao thêm 1 – 1,5m nữa thì sao nhỉ?

 

Một lãnh đạo tiền nhiệm ngành du lịch cho rằng: Không phải chúng tôi không nhìn thấy vấn đề này. Nhưng “cái khó bó cái khôn”, hơn 15 năm trước, thu hút được 1 dự án du lịch vào vùng này khó lắm. Hơn nữa khi quy hoạch vùng này, cũng bố trí các đường “xương cá” dẫn xuống bãi tắm dành cho cộng đồng. Thế nhưng ai bỏ tiền ra đền bù giải tỏa để làm những đường “xương cá”? Nhà nước thì không có tiền. Doanh nghiệp tất nhiên không bỏ ra. Rốt cuộc không còn đường “xương cá” nào nữa.

Nếu như dãy hàng quán cà phê, nhậu nhẹt ở bãi tắm Đồi Dương, sẽ bị giải tỏa hết vào cuối năm nay, để trả lại mặt tiền cho thành phố biển (khi ấy Đồi Dương sẽ là bãi tắm cộng đồng thực sự). Thì chẳng ai có gan xới xáo lại cái “thủ đô resort” này để sắp xếp lại.

 

Nhưng hoàn toàn có thể rút ra một cái gì đó, khi quy hoạch phát triển các vùng du lịch ven biển mới ở Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi. Bởi Bình Thuận còn trên một nửa (tức là hơn 200 dự án du lịch) chưa triển khai, và chắc chắn chưa dừng lại ở đó.

Nguồn: Báo BT