Ngày 8/6/2009, các nước lần đầu tiên tổ chức kỷ niệm "Ngày Đại dương Thế giới" với chủ đề "Các đại dương của chúng ta - Trách nhiệm của chúng ta" nhằm nâng cao nhận thức về những thách thức mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt liên quan đến biển cả.
Trong thông điệp nhân dịp này, Tổng Thư kí Liên hợp quốc Ban Ki-moon nêu rõ hoạt động của con người đã gây những tác hại vô cùng khủng khiếp đối với các đại dương trên thế giới.
Hệ thống sinh thái biển mong manh, như những rặng san hô và nguồn cá lớn, đang bị tổn hại do tình trạng khai thác quá mức, đánh bắt trái phép, cũng như do sự xuất hiện của các loài cá lạ và tình trạng ô nhiễm biển, đặc biệt là những nguồn chất thải từ đất liền.
Tổng Thư kí Liên hợp quốc cho rằng tình trạng nhiệt độ nước biển tăng lên, cũng như nguy cơ nước biển dâng cao và nước biển bị axít hóa do biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa lớn, không chỉ đối với đời sống của cộng đồng dân cư sống ở vùng duyên hải và hải đảo, các loài sinh vật biển mà còn đối với nền kinh tế của các nước.
Do đó, ông khẳng định Ngày Đại dương Thế giới năm nay sẽ nhấn mạnh nghĩa vụ của cá nhân và tập thể trong việc bảo vệ môi trường biển cũng như xử lí một cách cẩn trọng các tài nguyên biển.
Các đại dương trên thế giới chiếm 2/3 diện tích Trái Đất, tác động đến đời sống tất cả các sinh vật. Biển là nơi sản sinh ra phần lớn lượng khí oxi mà con người cần để hít thở, đồng thời hấp thụ một lượng lớn khí CO2 mà con người và thiên nhiên thải ra. Biển cung cấp thức ăn và nguồn dinh dưỡng cho con người, có tác dụng điều hòa khí hậu.
Bên cạnh đó, nó còn đóng vai trò quan trọng về mặt kinh tế đối với các ngành công nghiệp du lịch, đánh cá và khai thác nguồn lợi biển.
Tuy nhiên, hiện các đại dương trên thế giới đều đang đứng trước mối đe dọa nghiêm trọng do hoạt động của con người và tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.
Ngày Đại dương Thế giới (8/6) được thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 63 năm 2008.