Được ví như “ốc đảo xanh, trong lành”, nơi có hệ sinh thái phong phú, đa dạng, Cần Giờ là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam.
Rừng ngập mặn Cần Giờ nằm trên địa bàn huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), có tổng diện tích hơn 75.000 ha, trong đó vùng lõi rộng 4.721ha, vùng đệm 41.000ha và vùng chuyển tiếp 29 nghìn ha. Nơi đây là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thuỷ sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Trước kia, Cần Giờ vốn đã là khu rừng ngập mặn với quần thể động thực vật phong phú. Tuy nhiên, nơi đây từng bị bom đạn và chất độc hủy hoại trong cuộc kháng chiến của dân tộc.
Năm 1978, khi được sáp nhập về TP. Hồ Chí Minh, chính quyền thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi, tái tạo lại rừng và sau nhiều năm quyết tâm, khoảng 31.000 ha rừng tự nhiên đã được khôi phục và trồng lại. Theo kết quả nghiên cứu, hệ thực vật rừng ngập mặn Cần Giờ ghi nhận gần 300 loài, nhóm thực vật ngập mặn. Khu hệ động vật thủy sinh không xương sống có trên 700 loài, khu hệ cá trên 130 loài, khu hệ động vật có xương sống có 9 loài lưỡng thê, 31 loài bò sát, 4 loài có vú. Khu hệ chim có khoảng 130 loài thuộc 47 họ, 17 bộ. Trong đó có 11 loài bò sát có tên trong sách đỏ Việt Nam như: tắc kè, kỳ đà nước, trăn đất, trăn gấm, rắn cạp nong, rắn hổ mang, rắn hổ chúa, cá sấu hoa cà…
Không chỉ là địa điểm lý tưởng phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ còn có ý nghĩa to lớn đối với bảo vệ môi trường. Đây được coi là "lá phổi", là "quả thận" có chức năng làm sạch không khí và nước thải từ các thành phố công nghiệp trong thượng nguồn sông Ðồng Nai - Sài Gòn đổ ra biển Ðông. Sở dĩ, hệ thực vật nơi đây phong phú là nhờ vị trí địa lý đặc biệt. Hàng năm rừng ngập mặn nhận một lượng lớn phù sa từ sông Đồng Nai, cùng với ảnh hưởng của biển kế cận và các đợt thủy triều.
Với cảnh quan tươi đẹp, hệ thống động thực vật đa dạng và phong phú cả về số lượng và chủng loại, Rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào ngày 21/1/2000. Đây cũng là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam.
Theo định nghĩa của UNESCO, khu dự trữ sinh quyển là “những khu vực hệ sinh thái bờ biển và trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc sử dụng bền vững khu vực đó”. Đến nay (2021), Việt Nam hiện có 11 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận, đảm bảo đạt các tiêu chí mà tổ chức đưa ra.
Phạm Yến