Bên lề hội nghị chuyên đề Đại hội Đồng EATOF lần thứ 17 vừa diễn ra cuối tháng 10/2022 tại TP Hạ Long, phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn bà Susan Santos de Cardinas, đại diện và đối tác Đông Nam Á, tổ chức Green Destination (Điểm đến xanh) về tương lai của du lịch hậu đại dịch Covid-19 và phát triển du lịch xanh tại Quảng Ninh.
- Thưa bà! Bà có thể chia sẻ ấn tượng của mình khi đến Hạ Long tham dự Đại Hội đồng EATOF lần thứ 17?
+ Thực ra 22 năm trước tôi đã đến đây. Tôi đã có cơ hội được tham quan Vịnh Hạ Long. Khi đó chúng tôi đi trên một con tàu gỗ và trên đó chỉ có một chiếc ghế để ngồi rất là nhỏ. Đó thậm chí không thể gọi là một chỗ ngồi và cả khu vực chỉ có một khách sạn thôi. Còn bây giờ thì các bạn đã trở thành một thành phố thủ phủ theo đúng nghĩa. Tôi quá ngạc nhiên! Các bạn đã có những con đường cao tốc, chứng tỏ sự kết nối và tôi thích điều đó. Tôi cũng rất vui khi chứng kiến có nhiều du khách đến đây hơn. Tuy nhiên, đi đôi với phát triển các bạn cũng cần quan tâm hơn tới câu chuyện bảo tồn và làm ơn hãy bảo vệ Vịnh Hạ Long, biển và sự đa dạng sinh học biển. Không ai có đủ khả năng để tái tạo lại di sản - kỳ quan thế giới này một lần nữa.
- Theo bà, sự phát triển của du lịch Quảng Ninh đến nay đã được đánh giá là "xanh" chưa? Và Quảng Ninh cần làm gì để xanh hóa hơn nữa ngành du lịch?
+ Với tôi, Quảng Ninh sở hữu kho báu thiên nhiên vô giá mà không ai có thể tái tạo lại được. Nơi đây tạo hóa đã mất hàng trăm triệu năm mới có những kiến tạo đá karst như ngày nay chúng ta thấy. Đó chính là kho báu vô giá cần phải được bảo tồn và gìn giữ cho thế hệ mai sau. Vì vậy, phát triển du lịch thì ngay bây giờ, hơn bất kỳ lúc nào khác chúng ta phải nghĩ tới đầu tư "xanh”. Tức là chúng ta phải cân nhắc tới giảm lượng khí thải các-bon, sử dụng nhiên liệu, nước hiệu quả và tái chế rác thải và dĩ nhiên là nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần. Chúng ta có thể sử dụng đồ nhựa nhưng đó phải là nhựa tái sử dụng được, tái lưu thông và tái sử dụng với những mục đích khác nhau.
Và với chất thải rắn trong du lịch chúng ta cũng nên tận dụng cho nông nghiệp hữu cơ. Với cách làm này, chúng ta sẽ có được kinh tế tuần hoàn khi vừa giải quyết được vấn đề về rác thải rắn vừa có thể làm ra thực phẩm. Đó là sự tiêu dùng và sản xuất bền vững. Chúng ta không lựa chọn quy trình thực phẩm nhanh mà chọn quy trình thực phẩm “chậm” và chúng ta cũng phải nhấn mạnh tới các giá trị văn hóa. Như vậy chúng ta cần phải suy nghĩ và cân nhắc về đầu tư "xanh", phát triển "xanh", bền vững đồng thời phải bảo tồn văn hóa và di sản của Quảng Ninh.
Bà Susan Santos de Cardinas trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị.
- Để có thể theo đuổi mục tiêu xanh, Quảng Ninh cần theo đuổi mô hình phát triển du lịch nào? Phải chăng đó là du lịch sinh thái thưa bà?
+ Đúng vậy! Các bạn đang sở hữu cảnh quan thiên nhiên rất đẹp. Tôi cũng thấy sự đa dạng về văn hóa của các bạn. Điều chúng ta cần làm ngay bây giờ là giảm tải cho điểm đến, hướng đến những du khách lưu trú dài ngày chứ không phải những du khách đến và đi trong 2 giờ đồng hồ. Và chúng ta cũng phải trả lời một câu hỏi là: Cộng đồng dân cư địa phương có được lợi gì hay không? và làm thế nào để họ được hưởng lợi từ sự phát triển của du lịch? Đó cũng là những điều chúng tôi đang tìm kiếm ở đây. Người dân địa phương phải được tham gia vào quá trình phát triển du lịch. Họ cần phải có phần bánh của mình.
Và điều quan trọng nhất là khí hậu. Chúng ta không thể phủ nhận sự thật về hiện trạng nước biển dâng, sự xâm lấn của biển vào các vùng lục địa và nguồn lợi biển. Tôi nghĩ đó là do sự phát triển quá nóng. Và để quản trị tốt, ngăn chặn biến đổi khí hậu thì chúng ta phải tập trung vào du lịch chất lượng. Với du khách lưu trú dài ngày, họ không chỉ tham quan vùng biển, họ có thể ở lại các homestay ở vùng nông thôn. Như bạn biết đấy UNWTO đã đề cập tới những khu vực du lịch làng quê và chúng tôi cũng đang thúc đẩy mô hình du lịch này với một phong trào phát triển du lịch nông thôn, nơi người nông dân, người dân bản địa được tham gia và phát huy vai trò. Đó cũng chính là tương lai của du lịch.
Tôi cho rằng, trong sự phát triển của địa phương các bạn phải thực sự quan tâm tới các tác động môi trường và sức tải của điểm đến. Chúng ta cũng phải cân nhắc tới lượng khí thải các-bon. Chúng ta phải tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là với sự biến đổi khí hậu. Chúng ta cũng phải quan tâm tới những hành động nhỏ nhất như giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, chỉ để điều hòa ở nhiệt độ phù hợp thay vì để quá thấp, nhờ đó chúng ta có thể giảm được điện tiêu thụ, tận dụng nguồn sáng tự nhiên. Cho nên, chỉ những hành động nhỏ thôi nhưng có thể tạo nên những thay đổi lớn.
Đoàn đại biểu EATOF tham quan vịnh Hạ Long trong khuôn khổ Đại hội đồng EATOF lần thứ 17 diễn ra tại Quảng Ninh.
- Giai đoạn hậu Covid-19, du lịch sẽ phát triển theo hướng nào, thưa bà?
+ Trong suốt thời gian xảy ra dịch bệnh, chúng ta đã có thời gian để tư duy lại về phát triển du lịch bền vững. Sự bền vững ở đây chúng ta đề cập tới 3P: Planet (hành tinh) - People (con người) và Profit (lợi nhuận). Đây là lúc chúng ta phải cân nhắc về ưu tiên của mình, làm sao để tái khởi động du lịch một cách bền vững. Tương lai của ngành du lịch chính là sự bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng là lý do để du khách lựa chọn tới thăm một điểm đến trong số rất nhiều các điểm đến trên thế giới.
Điều tiếp theo là “Chia sẻ” lợi nhuận và kinh tế, khả năng sinh lợi của du lịch, cộng đồng dân cư - yếu tố cốt lõi của du lịch và chia sẻ với các bạn trẻ, thế hệ thanh niên.
- Bà đánh giá thế nào về vai trò của EATOF trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh trong ngành du lịch?
+ Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đều đồng ý với tôi, cho dù việc bảo tồn là rất quan trọng thì chúng ta vẫn phải khuyến khích đầu tư và tăng trưởng xanh. Các quốc gia EATOF cần điều chỉnh, thích nghi và áp dụng tiêu chuẩn “Điểm đến xanh” về khí hậu, quản lý điểm đến bền vững, thiên nhiên, văn hóa và chất lượng sống của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và truyền thông,
Chúng ta cần phải thúc đẩy việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm và bài học cũng như những nỗ lực để tất cả mọi người đều biết về những tiêu chí xanh đó. Ví dụ như khi du khách đến, họ phải biết được rằng “Ồ! Đây là khu vực được bảo vệ, chúng ta phải tôn trọng những quy định tại đây, chúng ta phải hỗ trợ người dân địa phương bằng cách mua sản phẩm của họ chứ không phải là những món đồ nhập khẩu”.
Du khách giờ đây muốn trải nghiệm một điểm đến đa trải nghiệm, đó cũng chính là tương lai của du lịch. Chúng ta không thể trông đợi du khách lưu trú dài ngày vào thời điểm này, chúng ta mới chỉ có thể hấp dẫn những du khách trong vùng. Tôi cho rằng các quốc gia trong khu vực Đông Á đang có một mối quan hệ rất lành mạnh và các bạn nên đẩy mạnh việc truyền thông và xúc tiến thị trường giữa các thành viên trong khối.
- Xin cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!
Hoàng Lâm