Nằm trong ngõ 252 phố Tây Sơn (phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội), quần thể lăng Hoàng Cao Khải gồm nhiều hạng mục có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc nhưng không được nhiều người biết đến.
Hoàng Cao Khải (1845 - 1933) tên thật là Hoàng Văn Khải, tự Đông Minh, hiệu Thái Xuyên, là một nhà văn, nhà sử học và là đại thần dưới triều vua Thành Thái. Ông quê ở làng Đông Thái (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Trước khi Pháp chiếm Bắc Kỳ, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng như Tri huyện Thọ Xương, quyền Án sát Lạng Sơn, quyền Tuần phủ Hưng Yên, Binh bộ Thượng thư, Khâm sai Kinh lược sứ Bắc Kỳ...
Năm 1893, Hoàng Cao Khải cho lấp ruộng trũng, ao hồ tại các làng Nam Đồng, Thịnh Quang, Khương Thượng để lập ấp Thái Hà và xây dựng nhiều công trình kiến trúc trong khu tư dinh của dòng họ Hoàng gồm: Từ đường, đình làng, đình tế, hồ vuông, hồ bán nguyệt, gò Nghênh phong; đặc biệt là 12 lăng mộ, trong đó trung tâm là lăng Hoàng Cao Khải và lăng Hoàng Trọng Phu - con trai ông.
Lăng Hoàng Cao Khải được xây trên khu đất cao rộng, phía trước là hồ bán nguyệt lớn, hai bên sân có 8 pho tượng bằng đá. Lăng có kết cấu kiểu chữ “đinh”, gồm ba gian tiền tế, một gian hậu cung đều được xây bằng đá lấy từ phủ Quốc Oai. Các mảng chạm, hệ thống cột, xà, cửa võng, diềm, tường, gạch lát cũng được làm bằng đá, do các hiệp thợ nổi tiếng chế tác tinh xảo.
Bước qua 5 bậc đá được ghép từ những phiến đá xanh cỡ lớn sẽ lên tòa tiền tế. Vật liệu xây dựng công trình này được làm hoàn toàn bằng đá, gồm 14 cột đá tròn đường kính 25cm liên kết với 12 cột đá vuông có cạnh 40 x 40cm đỡ mái. Phần mái đồng thời là trần, được ghép bằng những phiến đá lớn. Nền nhà lát đá xanh. Gian giữa đặt án thờ, hai gian hồi đặt hai ngôi mộ của Hoàng Cao Khải cùng vợ là Phạm Thị Tố.
Hậu cung có 4 cột vuông và 4 cột tròn đỡ mái. Trên các đầu cột gắn đầu rồng. Thân cột chạm hoa cúc và các hoa văn hình học. Phần mái được ghép bởi những phiến đá xanh chạm hình hoa sen, chữ triện. Tại các đầu cột và trần bên trong lăng trang trí họa tiết rồng ngậm ngọc, lá đề, hoa dây... cách điệu với lối chạm nổi tinh tế theo phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.
Quần thể lăng Hoàng Cao Khải từng được nhà sử học nổi tiếng người Pháp Phillippe Papin đánh giá là “một trong những đỉnh cao của kiến trúc đá phương Đông”, còn các nhà sử học Việt Nam gọi đây là “Thành nhà Hồ thứ hai” của người Việt bởi những hạng mục công trình điêu khắc đá tinh xảo hiếm có. Quần thể di tích này đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 1962.
Quỳnh Ngọc