Phát huy lợi thế, tiềm năng về giá trị tự nhiên, lịch sử, văn hoá, TP Hội An đã và đang không ngừng quảng bá, xúc tiến và tổ chức khá thành công, là điểm đến du lịch nổi trội, thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến với địa phương. Hiện du lịch Hội An đang tiếp tục khẳng định nhiều lợi thế để phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn không chỉ của Quảng Nam mà của cả nước.
Show diễn thực cảnh Ký ức Hội An
Tiềm năng, lợi thế về du lịch
Nói đến Hội An nhiều người nghĩ ngay đến Khu đô thị cổ Hội An - một Di sản văn hoá thế giới, được UNESCO công nhận cách đây tròn 23 năm (04/12/1999). Tại đây, nhiều di sản, di tích và các nét đẹp truyền thống văn hoá được cấp uỷ, chính quyền và người dân, du khách liên tục bồi đắp, tu bổ để giữ gìn và phát huy. Nhờ đó, đến với Đô thị cổ Hội An - không gian văn hoá mang đậm sắc thái truyền thống, giúp du khách được trải nghiệm đúng nghĩa của một “bảo tàng sống”- một điểm đến đặc trưng về lịch sử, văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật, nếp sống thị dân… mà không phải ở đâu cũng có được.
Kết nối với đô thị cổ Hội An, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm luôn là địa chỉ để du khách khi đến với Hội An được tiếp cận với một chỉnh thể tự nhiên đa dạng, nổi trội về giá trị tự nhiên, lịch sử, văn hoá - nhân văn, hội đủ yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà” của một trung tâm du lịch lớn tại miền Trung và đất nước.
Chính những giá trị và sự kết nối kể trên, Hội An đã trở thành điểm đến lý tưởng của du khách gần xa. Khi đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm, tận hưởng không gian sinh thái vùng ngập nước cửa sông ven biển, không gian sinh thái nông nghiệp, không gian làng quê, làng nghề có môi trường tự nhiên hết sức đa dạng, phong phú và chưa bị tác động nhiều bởi quá trình đô thị hoá với hệ thống các nhánh sông, mương, lạch, đầm, hồ, ruộng vườn, cồn bãi; có hệ sinh thái rừng đặc dụng và thảm san hô Cù Lao Chàm, rừng phòng hộ Cẩm Thanh gắn với bao trầm tích và những dấu ấn lịch sử của Khu phố cổ. Cạnh đó, bờ biển Hội An dài hơn 7km với những bãi tắm đẹp, tuy đang bị xâm thực, xói lở trong những năm gần đây nhưng hiện đang được các cấp, các ngành của Chính phủ về địa phương quan tâm, khắc phục, hứa hẹn sẽ sớm trả lại cho biển Hội An nét đẹp nên thơ, nơi nổi tiếng từng là thương cảng lớn của xứ đàng Trong từ thời Nguyễn…
Không chỉ có vậy, tiềm năng, lợi thế mỗi khi nhắc đến Hội An chính là nơi lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể độc đáo. Trong đó, ngoài hệ thống các kiến trúc, các di tích văn hoá tại Khu đô thị cổ Hội An, nghệ thuật hô hát Bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định, tạo nên sự độc đáo, tiêu biểu về văn hoá nơi đây.
Từ những giá trị to lớn đó, Hội An được biết đến là một “Thành phố văn hoá” tiêu biểu của cả nước và là “Điểm đến thành phố văn hoá hàng đầu thế giới”- Giải thưởng năm 2019 của Ban tổ chức giải thưởng du lịch thế giới lần thứ 26 - World Travel Awards - WTA. Đồng thời, từ nhiều năm qua, nơi đây cũng được du khách nhận định là địa chỉ với cốt lõi của tài nguyên văn hoá là truyền thống “nhân tình thuần hậu” có nếp sống giản dị, hiếu khách và chứa đựng kho tàng văn nghệ dân gian phong phú, có những món ăn đậm nét truyền thống đã trở thành thương hiệu nổi tiếng từ lâu.
Du khách tham gia các tour khám phá vùng đồng quê ven Hội An
Đổi mới tư duy về du lịch
Có thể nói, với những lợi thế và tiềm năng về du lịch vô cùng to lớn của mình, Hội An sau nhiều năm tháng thăng trầm theo chiều dài lịch sử để đến nay đang khẳng định được là một địa chỉ du lịch nổi tiếng không chỉ đa dạng, phong phú về loại hình mà còn là nơi được mệnh danh là thân thiện, hiếu khách; một điểm đến chất lượng cao theo hướng “Du lịch xanh”, bền vững, lấy giá trị văn hoá truyền thống, yếu tố bản địa và có hàm lượng môi trường tích cực. Đây cũng là nền tảng để Hội An tiếp tục xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch bền vững, thân thiện.
Chia sẻ những bước chuyển về tư duy phát triển du lịch theo hướng bền vững, thân thiện mà nhiều năm qua, cấp uỷ, chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp tại Hội An đã và đang theo đuổi, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Lanh cho biết: Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu để Du lịch Hội An định hình con đường phát triển của mình.
Trong đó, ngay từ sau năm 1975 - khi quê hương được giải phóng, lúc này Hội An không còn giữ vai trò của một thị xã tỉnh lỵ đô thị - thương cảng sầm uất vang bóng một thời được ví như một “thành phố dưỡng già”. Tuy nhiên, lãnh đạo TP lúc ấy đã bắt đầu có những trăn trở, tính toán cho định hướng phát triển của địa phương, trong đó có việc phát huy lợi thế của Hội An để đưa địa phương phát triển.
Qua gần 10 năm nỗ lực, năm 1985 Khu phố cổ Hội An chính thức được công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia. Ngay sau đó, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Hội An lần thứ IX (1986) lần đầu tiên Đảng bộ TP đặt ra trong văn kiện Đại hội vấn đề: “Xây dựng quy chế và triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ và trùng tu khu phố cổ gắn với tổ chức mạng lưới phục vụ khách tham quan, du lịch, tạo nguồn thu bổ sung ngân sách”.
Đồng thời, để gắn công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu phố cổ với định hướng phát triển các hoạt động dịch vụ - du lịch, Ban Thường vụ Thị uỷ Hội An đã quyết định thành lập Ban quản lý di tích và dịch vụ du lịch Hội An. Tuy nhiên lúc này cơ sở vật chất ban đầu của du lịch Hội An hầu như chưa có gì ngoài vài phòng trọ đơn sơ tại nhà số 92 Trần Phú và Cửa hàng ăn uống, giải khát tại số 05 Hoàng Diệu (Hội An).
Đến Đại hội Đại biểu Đảng bộ thị xã Hội An lần thứ X (1988), Đảng bộ Thị xã đã đề ra chủ trương: “Hình thành tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch trên cơ sở phát huy được thế mạnh Khu phố cổ để thực hiện xuất khẩu tại chỗ, tăng nguồn thu ngoại tệ”. Đây có thể nói là bước đột phá mới về tư duy để khai thác, phát triển du lịch của Hội An trong bối cảnh nền kinh tế đất nước thời điểm đó.
Chùa Cầu - Một trong những điểm đến của du khách khi ghé thăm Hội An
Từ chủ trương trên, vào cuối năm 1991, tại Đại hội Đảng bộ Thị xã Hội An lần thứ XI đã quyết định chuyển dịch các ngành kinh tế và lần đầu tiên dịch vụ và du lịch chính thức được đưa vào cơ cấu kinh tế của Thị xã Hội An là: Ngư - nông - công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp - công nghiệp chế biến, dịch vụ - du lịch. Đây là sự nhận thức sâu sắc về mối quan hệ giữa văn hoá và du lịch, đồng thời đặt vấn đề chú ý phát triển cả nơi ăn, ở, nghỉ ngơi, giải trí, kể cả nghỉ mát, tắm biển nhằm phát huy có hiệu quả hơn quần thể di tích đô thị cổ và bãi tắm Cửa Đại.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Lanh, Ban Thường vụ Thị uỷ Hội An lúc đó đã quyết định tách hoạt động kinh doanh dịch vụ - du lịch khỏi Ban quản lý di tích để sát nhập vào Công ty Dịch vụ ăn uống thành lập Công ty Du lịch - Dịch vụ Hội An. Khách sạn mini 08 phòng 17 gường và 01 nhà hàng được đầu tư xây dựng, chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 15/8/1991. Đây được xem là dấu mốc khai sinh cho ngành “Công nghiệp không khói” hoàn toàn mới lạ ở Hội An. Sau đó, đến năm 1993, Khách sạn Hội An được xây dựng tương đối khang trang gồm 34 phòng 90 giường và 03 nhà hàng trên 400 chỗ ngồi.
Với những bước chuyển mới về tư duy phát triển du lịch vừa kể ở trên trong những năm đầu kể từ ngày quê hương được giải phóng cho thấy cấp uỷ, chính quyền Hội An lúc bấy giờ đã bước đầu đặt ra những viên gạch đầu tiên để xây nên nền kinh tế lấy du lịch - dịch vụ làm làm chủ lực, phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước cho đến nay./.
Đình Tăng