Trong một bản báo cáo được công bố vào ngày 6/5/2009 của Bộ Kinh tế Du lịch Pháp, chính phủ Pháp đã bày tỏ lo ngại rằng biến đổi khí hậu với nguy cơ tan băng, hạn hán, sự mất dần các bãi biển sẽ tác động mạnh đến ngành du lịch nước họ như đã từng tác động tới các điểm du lịch hàng đầu thế giới.
Nổi tiếng với bãi biển đầy ánh nắng, cánh đồng oải hương, các khu nghỉ trượt tuyết và những thành phố đậm chất nghệ thuật, ngành du lịch Pháp đã đóng góp đến 6% trong tổng sản phẩm quốc dân. Nhưng một báo cáo của chính phủ cho hay hiện tượng ấm lên toàn cầu có thể làm thay đổi điều đó.
Bản báo cáo của Bộ Kinh tế Du lịch Pháp dựa trên dự đoán về việc tăng nhiệt độ từ 3-40C đến năm 2100 đã đặt câu hỏi “Những khu du lịch biển nào sẽ phải mất bãi biển và các khu nghỉ mát muốn giữ bãi biển sẽ phải đương đầu với những áp lực nào?”
Nước biển dâng làm tình trạng xói mòn bờ biển càng trầm trọng thêm, nguyên nhân vốn đã khiến 1/5 khu du lịch của Pháp bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các địa điểm du lịch truyền thống khác có khả năng bị tác động chẳng hạn như khu nghỉ mát trượt tuyết trên dãy An-pơ.
Viễn cảnh này có thể khiến các môn thể thao mùa đông không thể tổ chức ở độ cao 1200 m so với mực nước biển. Theo báo cáo, nhiệt độ tăng 2oC có thể khiến số lượng khu nghỉ mát trượt tuyết ở khu vực Haute-Savoie thuộc dãy An-pơ giảm xuống một nửa từ 35 xuống còn 18.
Sự biến đổi khí hậu cũng cho thấy sức ép tiềm tàng về mặt xã hội nếu miền bắc lạnh lẽo nước Pháp, nơi hưởng lợi từ việc ấm lên toàn cầu, trở thành điểm đến nổi tiếng cho các du khách Bắc Âu.
Báo cáo chỉ ra rằng, không chỉ lục địa của Pháp bị tổn hại, mà các hòn đảo được bao bọc bởi cánh rừng cọ, điển hình như New Caledonia và Plynesia, cũng dần mất đi các rạn san hô, nơi thu hút chính du khách tới đây.
Theo Học viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Pháp (INSEE), với 82 triệu lượt khách du lịch năm 2007, Pháp trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng thứ ba thế giới sau Hoa Kỳ và Tây Ban Nha.