Trên dải đất hình chữ S, có những địa danh đã trở thành huyền thoại và sóc Bom Bo là một nơi như vậy. Địa danh này được cố nhạc sĩ Xuân Hồng khắc họa trong ca khúc nổi tiếng “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, hôm nay đã trở thành điểm du lịch tiêu biểu của quê hương Bình Phước.
Chị Hoàng Thu Hương (thứ 2 từ phải qua) hướng dẫn khách đánh đàn đá.
Cuối tháng 11, trong khuôn khổ sơ kết 2 năm liên kết du lịch vùng Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Phước tổ chức tour cho đại biểu 6 tỉnh, thành phố trong vùng tham quan, khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn. Chúng tôi có dịp thăm sóc Bom Bo, nơi từ lâu mong mỏi được đặt chân đến. Thanh âm “lửa bập bùng”, “tiếng chày khuya” hào hùng những năm tháng kháng chiến và văn hóa của đồng bào S’tiêng đang được Bình Phước khai thác hiệu quả cho du lịch.
Khám phá văn hóa đồng bào S’tiêng
Sóc Bom Bo thuộc xã Bình Minh (huyện Bù Đăng), cách trung tâm TP. Đồng Xoài khoảng 50km. Khác với tưởng tượng về một phum sóc hẻo lánh ở rừng sâu, con đường dẫn vào sóc Bom Bo trải nhựa phẳng lì, uốn lượn qua những triền đồi bạt ngàn cây điều và cà phê tạo nên một bức họa đồ nhìn không chán mắt. Nhiều khu nhà mới khang trang mọc lên thay cho những căn nhà bằng lồ ô thuở trước.
Cuộc sống tươi mới, trù phú đang mở ra. Nhưng ấn tượng nhất là Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, nơi có ý nghĩa đặc biệt góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử của người S’tiêng nói riêng và đồng bào các dân tộc tại sóc Bom Bo nói chung.
Nằm trên quả đồi, khuôn viên Khu bảo tồn rộng 113ha, chia thành 2 khu: khu trưng bày truyền thống văn hóa, lịch sử của đồng bào S’tiêng và khu sân lễ dành cho vui chơi, giải trí, lễ hội, ẩm thực.
Sóc Bom Bo thuộc địa phận xã Bình Minh, huyện Bù Đăng. Nơi đây có 5 dân tộc sinh sống, nhiều nhất là đồng bào S’tiêng. Trong kháng chiến chống Mỹ, người dân Bom Bo chung sức đồng lòng kiên trung với cách mạng. Thanh niên vào bộ đội, du kích, làm giao liên. Phụ nữ tăng gia sản xuất, đêm đêm giã gạo nuôi quân.
Khí thế ấy là nguồn cảm hứng để cố nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” vào năm 1966 như một chứng minh lịch sử kể về người dân Bom Bo chân chất, thủy chung, nghĩa tình và rất anh hùng.
Chị Hoàng Thu Hương, công chức văn hóa huyện Bù Đăng trong vai thuyết minh viên đã giúp chúng tôi tìm hiểu thêm về đất và người nơi đây. Phòng trưng bày rộng tầm 300m2 với nhiều hiện vật, tư liệu, hình ảnh về truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa của đất và người S’tiêng. Nổi bật là những hiện vật dùng giã gạo nuôi quân, các vũ khí thô sơ trong kháng chiến nhằm bảo vệ buôn làng đến các công cụ lao động, bộ cồng chiêng, đàn đá, khung cửi và bộ quần áo dân tộc.
Cách bố trí hiện vật khoa học, toát lên những đặc trưng nổi bật trong văn hóa và tấm lòng kiên trung dành theo cách mạng của đồng bào S’tiêng. Chúng tôi vô cùng thích thú khi thưởng lãm những chiếc chày giã gạo đơn sơ nhưng chắc chắn; chiếc bẫy chông nhỏ bé nhưng lại rất hiệu quả trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; chiếc bầu hồ lô chứa nước uống hết sức tiện lợi; những chiếc vòng trang sức bạc mộc mạc; mô hình nhà dài truyền thống đặc trưng của 2 nhánh người S’tiêng ở Bình Phước là Bù lơ và Bù Đek... Tất cả khái quát lên nét đẹp văn hóa độc đáo trong bản sắc của người S’tiêng.
Bộ chày cối tái hiện hoạt động giã gạo ủng hộ cách mạng của người S’tiêng được trưng bày tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo.
Điểm đến đặc trưng của vùng Đông Nam Bộ
Đưa du khách tham quan một vòng khu trưng bày, chị Hoàng Thu Hương kết thúc bài thuyết minh bằng màn biểu diễn ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” trên đàn đá. Nhiều du khách trong đoàn cùng đồng thanh hát vang lời bài hát. Chị Thu Hương còn hướng dẫn mọi người cách ghi nhớ nhịp phách để đánh thử chiếc đàn đá, khiến ai cũng hào hứng.
Rời nhà trưng bày, chúng tôi lên xe di chuyển sang khu nhà dài và sân sinh hoạt cộng đồng của đồng bào S’tiêng. Đón ở cổng, đội văn nghệ S’tiêng trẻ trung trong trang phục truyền thống, nở nụ cười tươi xua tan cái nắng miền đất đỏ bazan buổi trưa.
Khu sân lễ gồm: nhà dài truyền thống, sân sinh hoạt cộng đồng, những thảm cỏ xanh mướt và điểm trưng bày bán hàng lưu niệm của đồng bào tạo nên đường nét tươi mới của sóc Bom Bo. Tại đây, tình cảm quân-dân bền chặt, nồng ấm, sắt son của đồng bào S’tiêng tiếp tục được tái hiện qua công trình mô phỏng cảnh người S’tiêng giã gạo nuôi bộ đội trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Điểm nhấn đặc biệt tại đây là bộ cồng 6 chiếc với trọng lượng 1.830kg, bộ chiêng 6 chiếc nặng 1.685kg đã được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam và bộ đàn đá nặng 20 tấn bài trí hình vòng cung vừa làm đẹp cảnh quan vừa tôn lên nét “độc, lạ” thu hút du khách. Theo chị Thu Hương, các công trình trên đưa vào trưng bày từ năm 2020 đã trở thành điểm nhấn hấp dẫn người dân trong tỉnh, du khách trong nước và nước ngoài đến check-in, tham quan, tìm hiểu, khám phá đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào S’tiêng.
Bộ cồng khổng lồ trưng bày tại khu sân lễ.
Lên đồi, gió mát rượi, phóng xa tầm mắt là núi Bà Rá cao vút. Những vườn điều, cao su thu trong tầm mắt cùng những hàng cây xanh um được trồng trên đồi tươi tốt. Bữa trưa của chúng tôi được phục vụ nhiều tiết mục, điệu vũ đặc trưng của đồng bào S’tiêng.
Trong câu chuyện bên mâm cơm, ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết, cùng với nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền Bù Đăng đang tập trung xây dựng Bom Bo trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
Huyện Bù Đăng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động tổ chức làng nghề truyền thống theo mô hình du lịch cộng đồng, bảo vệ rừng, trồng thêm mảng xanh, phát huy những giá trị văn hóa bản địa, kết nối với các DN lữ hành tổ chức tour đưa khách du lịch về tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
Chia tay Sóc Bom Bo bằng bữa cơm giản dị với canh lá nhíp, măng rừng xào, chúng tôi có dịp hiểu thêm về cuộc sống và nét văn hóa của người S’tiêng. Sóc Bom Bo đang “thay da đổi thịt” từng ngày và tin rằng nơi đây sẽ sớm trở thành trung tâm du lịch thu hút nhiều du khách của miền Đông Nam Bộ.
Bài, ảnh: Minh Hương