Trong những năm qua, nạn săn bắt chim hoang dã vào mùa di cư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn tái diễn, tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học tại địa phương. Do vậy, việc triển khai các giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, góp phần hạn chế sự suy giảm hệ sinh thái tự nhiên trên địa bàn tỉnh.
Việt Nam được đánh giá là một trong 16 quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Trong đó, trên lãnh thổ cả nước, có tới 63 vùng chim quan trọng toàn cầu, 7 vùng chim đặc hữu và được xác định là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư. Đến nay đã có hơn 900 loài chim được ghi nhận tại Việt Nam, song nhiều loài hiện nằm trong danh sách bị đe doạ, nguy cấp, cực kỳ nguy cấp cần được bảo tồn.
Trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều hệ sinh thái đặc trưng, có sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam, khu vực và thế giới. Tuy nhiên, trong những năm qua với áp lực từ nhiều phía trong đó có tình trạng săn bắt, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép mà tài nguyên rừng, động vật và chim hoang dã bị suy giảm đáng kể, nguy cơ tuyệt chủng. Trước tình trạng trên, gần đây nhất (4/10), UBND tỉnh đã ban hành công văn về việc tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư.
UBND tỉnh chỉ đạo Sở NNPTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm về săn, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, bẫy, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; tổ chức triệt phá các tụ điểm kinh doanh trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn tỉnh. Các Sở, ngành liên quan phối hợp với chính quyền các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, bẫy, mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; chủ động tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư,...
Kiểm lâm tỉnh phối hợp các lực lượng chức năng tiến hành xử lý, tiêu hủy các bẫy chim, cò giả trên các cánh đồng.
Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, qua khảo sát nhanh của Chi cục thực hiện vào tháng 10/2022, toàn bộ gần 30 cơ sở có hoạt động nuôi nhốt và kinh doanh chim trên địa bàn đều không có giấy phép kinh doanh và không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của các loài chim đang bị nuôi nhốt, kinh doanh. Phần lớn khách hàng của cơ sở là những người nuôi chim cảnh/chim hót để giải trí tại nhà. Tình trạng này xảy ra một phần do người dân chưa nhận thức rõ về nguy cơ liên quan đến pháp luật hay dịch bệnh từ chim hoang dã, cũng như vai trò quan trọng của động vật hoang dã đối với môi trường thiên nhiên.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm đến nay, các đơn vị, địa phương đã tổ chức 36 đợt ra quân truy quét nạn săn bẫy chim trời, tháo gỡ và thu gom hơn 2.200 cò giả, 16.000 que dính nhựa, thả về tự nhiên hơn 280 loài chim. Về xử lý mua bán chim hoang dã, lực lượng chức năng đã xử phạt hơn 19 triệu đồng, tịch thu 400 cá thể và thả về môi trường tự nhiên 374 cá thể.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư trong thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục tổ chức các diễn đàn nhằm tuyên truyền sâu rộng đến mọi người dân về bảo vệ chim hoang dã, chim di cư. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề xuất UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn xử lý về động vật hoang dã trong đó có các loài chim để các đơn vị, địa phương dễ xử lý. Đồng thời, mỗi địa bàn cấp huyện nên thành lập 1 tổ công tác để phối hợp tổ chức ký cam kết và tổ chức kiểm tra bắt giữ xử lý khi có thông tin về cá nhân, tổ chức vi phạm. Các Hạt Kiểm lâm tham mưu xây dựng Kế hoạch hoạt động cụ thể để phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương để tổ chức ký cam kết và kiểm tra bắt giữ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Lê Mạnh