Du lịch Quảng Bình: Tăng trưởng mạnh, bứt phá ấn tượng

Cập nhật: 26/12/2022
Quảng Bình đề ra mục tiêu, đến năm 2025, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình đạt 7 - 8 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế chiếm từ 10 - 20%. Tỷ lệ đóng góp của ngành Du lịch đạt 10 - 12% tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động số 01-Ctr/TUngày 09/12/2020 về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021-2025.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, với tinh thần nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, du lịch Quảng Bình đã có bước phục hồi mạnh mẽ, khẳng định được thương hiệu, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị

Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã ban hành các chương trình hành động về phát triển du lịch của địa phương để cụ thể hóa Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn. Tuy nhiên, do giai đoạn 2021 - 2022, việc triển khai Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi kinh tế - xã hội Việt Nam cũng như thế giới chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch toàn cầu có sự biến động lớn cả về nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch và nguồn cung các sản phẩm du lịch.

Hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) là một trong những hang động lớn nhất thế giới - (Ảnh: Trần Tuấn Việt)

Vì thế, năm 2021, tổng lượng khách du lịch ước đạt khoảng 569.826 lượt khách, giảm 69% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 11% so với kế hoạch; khách quốc tế ước đạt 5.700 lượt khách, giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 11% so với kế hoạch năm 2021; tổng doanh thu từ khách du lịch giảm 71% so với năm 2020 và giảm 90% so với kế hoạch năm 2021.

Bước vào năm 2022, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 09/12/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021 – 2025; triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch.

Cồn cát Quang Phú nằm ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình có vẽ đẹp tĩnh lặng, hoang sơ, quyến rũ. (Ảnh: Thành Vương).

Giám đốc Sở Du Lịch Quảng Bình - Nguyễn Ngọc Quý cho biết: “Quảng Bình đẩy mạnh việc triển khai các chương trình quảng bá, giới thiệu các giá trị tài nguyên du lịch nổi bật để người dân tự hào và đồng hành cùng chính quyền địa phương, vận động đội ngũ cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh thực hiện nếp sống văn minh; xây dựng phong trào ứng xử lịch sự, mến khách, tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, thân thiện, “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Đồng thời ký kết các thỏa thuận hợp tác với các địa phương, đơn vị trong cả nước: Hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng (từ Ninh Bình – Quảng Trị) giai đoạn 2022 - 2025; Thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) giai đoạn 2022 - 2026. Triển khai các nội dung hợp tác với TP. Hà Nội trong đó có chương trình du lịch, làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về liên kết, hợp tác phát triển du lịch

Tỉnh Quảng Bình tổ chức thành công các hoạt động xúc tiến đầu tư trong đó lồng ghép các nội dung quảng bá, xúc tiến du lịch như: Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Bình năm 2021, Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Bình tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022, chuẩn bị các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài theo chỉ đạo của Tỉnh ủy. Chỉ đạo quyết liệt triển khai các dự án đầu tư công về hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho phát triển du lịch; rà soát, đốc thúc việc thực hiện các dự án đầu tư các tổ hợp nghỉ dưỡng, giải trí, các cơ sở lưu trú, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án động lực, có khả năng thu hút số lượng lớn khách du lịch.

Với nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt, trong năm 2022, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 2.110.330 lượt khách, gấp 3,7 lần so với cùng kỷ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 33.731 lượt khách, gấp 5,92 lần so với cùng kỷ năm 2021, khách nội địa ước đạt 2.076.599 lượt khách, gấp 3,68 lần so với cùng kỷ năm 2021. Về dịch vụ lưu trú: Khách lưu trú tháng 12 ước đạt 118.571 lượt khách, gấp 12,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số khách lưu trú trong năm 2022 ước đạt 1.333.157 lượt khách, tăng gấp 5,13 lần so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 12 ước đạt 39,4 tỷ đồng, gấp 13,17 lần so với cùng kỷ năm 2021; cả năm 2022 dự ước đạt 450,6 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Xây dựng và định vị thương hiệu “Du lịch Quảng Bình”

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình xác định, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh là một trong bốn khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Xây dựng và định vị thương hiệu “Du lịch Quảng Bình” gắn với những hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc. Tiếp tục khẳng định Quảng Bình là điểm đến hàng đầu tại Việt Nam và trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực Đông Nam Á.

Thành phố Đồng Hới, Quảng Bình nhìn từ trên cao. (Ảnh: Bùi Hùng Cường)

Tỉnh Quảng Bình đề ra mục tiêu, đến năm 2025, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình đạt 7 - 8 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế chiếm từ 10 - 20%. Tỷ lệ đóng góp của ngành Du lịch đạt 10 - 12% tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình - Nguyễn Ngọc Quý cho biết: “Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Bình đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh việc quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 09/12/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 22/01/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 09/12/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021 – 2025”.

Tranh thủ sự hỗ trợ các nguồn lực của Trung ương từ Chương trình hành động quốc gia về du lịch, Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch...; nguồn vốn của các tổ chức quốc tế, ngân sách địa phương và đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông, điện lực, ngân hàng tại các trung tâm du lịch của tỉnh, các khu, điểm du lịch; chú trọng tính kết nối giữa các khu du lịch, điểm du lịch,... Đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Đồng Hới; hoàn thiện kết cấu hạ tầng cảng biển tại khu vực Hòn La, Cảng Gianh, bến thủy nội địa chuyên dụng cho khách du lịch theo tuyến Nhật Lệ - Long Đại và tuyến sông Gianh - sông Son.

Hang Va là nơi cư ngụ của những kiến tạo hang độc đáo bao gồm những nón tháp, là một tuyệt phẩm của đại ngàn. (Ảnh: Ryan Deboodt).

Phát triển sản phẩm du lịch là một trong những nội dung quan trọng mà tỉnh Quảng Bình đặc biệt quan tâm. Giai đoạn 2023-2025, tỉnh chú trọng phát triển các dịch vụ hỗ trợ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch sông, biển, du lịch nghỉ dưỡng; các sản phẩm du lịch sinh thái; Phát triển loại hình du lịch văn hóa, lịch sử; Phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng… Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh nghiên cứu phát triển thêm các nhóm sản phẩm du lịch mới, như: Du lịch lễ hội (festival tour), du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện), du lịch ban đêm... Đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm đường sông trên các tuyến thủy nội địa, như: Sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Long Đại, sông Son, sông Kiến Giang, quanh hồ thành Đồng Hới.

Kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu các sản phẩm du lịch có khả năng thu hút được nguồn khách lớn, có tính động lực thúc đẩy du lịch phát triển trên nguyên tắc phát triển bền vững theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, như các công viên chủ đề, các dịch vụ giải trí ban đêm./.

Hoàng Oanh

Nguồn: Báo Đảng cộng sản - dangcongsan.vn - Đăng ngày 25/12/2022