Cuối năm, nhiều người dân, cơ sở kinh doanh các mặt hàng đặc sản trên địa bàn tỉnh Long An tất bật đưa ra các sản phẩm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Đậu phộng Đức Hòa - món quà ý nghĩa
Những ngày này, cơ sở đậu phộng Hoàng Chương do bà Trần Thị Kim Nguyên (xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) làm chủ đang hoạt động hết công suất để phục vụ thị trường tết. Đôi tay thoăn thoắt, bà lựa những hạt đậu phộng cho vào chiếc rổ nhỏ. Bà Nguyên cho biết: “Sau khi mua đậu phộng được bóc vỏ sẵn, tôi bắt đầu lựa lại và loại bỏ những hạt không đạt tiêu chuẩn. Hiện cơ sở có 3 sản phẩm là kẹo đậu phộng; đậu phộng rang nguyên vỏ; đậu phộng rang mắm, tỏi, ớt. Đậu để làm sản phẩm phải có kích thước tương đối đều nhau, tránh tình trạng hạt to, hạt nhỏ dễ khét khi rang”.
Mùa làm đậu phộng tết bắt đầu từ giữa tháng 11 Âm lịch kéo dài đến giữa tháng 1 Âm lịch. Nhiều hôm số lượng khách tăng cao, mọi người phải làm đến 23-24 giờ. Dịp tết, đậu phộng rang nguyên vỏ; đậu phộng rang mắm, tỏi, ớt là các sản phẩm bán chạy nhất. Tùy theo số lượng và yêu cầu của khách mà mỗi sản phẩm có giá khác nhau. Thông thường kẹo đậu phộng có giá sỉ từ 20.000-25.000 đồng/bịch; đậu phộng rang mắm, tỏi, ớt có giá dao động từ 22.000-30.000 đồng/hủ.
“Mùa tết, số lượng tiêu thụ tăng từ 3-4 lần so với các tháng bình thường, tuy nhiên so với mọi năm thời điểm này số lượng có phần giảm. Hiện trung bình mỗi ngày, cơ sở làm khoảng 50kg đậu phộng, hy vọng số lượng sẽ tăng trong những ngày sắp tới. Cơ sở chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện tốt nhất để phục vụ thị trường tết” - bà Nguyên chia sẻ.
Nhờ sự ưu ái của thiên nhiên, đậu phộng Đức Hòa có vị thơm ngon hơn đậu phộng được trồng ở những vùng khác
Hơn 10 năm gắn bó với nghề làm đậu phộng, bà Nguyên gặp không ít khó khăn bởi ban đầu cơ sở của bà chỉ sản xuất đậu phộng rang nguyên vỏ, sản phẩm chưa đa dạng, số lượng khách chưa nhiều. Sau đó, bà tự tìm tòi, học hỏi để tạo ra các sản phẩm như hiện tại. Trong thời đại công nghệ số, gia đình bà tận dụng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng; bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Đến nay, các sản phẩm của cơ sở đậu phộng Hoàng Chương ngày càng được khách hàng ưa chuộng.
Nhờ sự ưu ái của thiên nhiên, đậu phộng Đức Hòa có vị bùi bùi, béo béo, thơm ngon hơn đậu phộng được trồng ở những vùng khác. Bằng sự nhạy bén, sáng tạo, người dân nơi đây đã tạo ra nhiều món ăn hấp dẫn từ đậu phộng được người tiêu dùng yêu thích.
Nhộn nhịp mùa bánh tráng tết
Từ sáng sớm, cơ sở làm bánh tráng của chị Nguyễn Thị Ngọc Huệ (khu phố Nhơn Hòa 1, phường 5, TP.Tân An) đã nhộn nhịp, người đứng máy tráng bánh, người phơi bánh, người đếm bánh. Chị Huệ chia sẻ: “Pha bột, tráng bánh, phơi nắng, phơi sương, gỡ bánh, cắt bánh, phân loại bánh,... là các công đoạn cơ bản để sản xuất bánh tráng. Tôi pha bánh theo công thức truyền thống gồm: Gạo, nước và muối. Làm bánh tráng từ 100% gạo không pha thêm bột, chiếc bánh sẽ dẻo, ngon hơn. Để tạo ra công thức hiện tại, tôi mất nhiều tháng nghiên cứu và sử dụng khoảng 1 tấn gạo để thử nghiệm mới thành công”.
Mỗi ngày, cơ sở làm bánh tráng của chị Nguyễn Thị Ngọc Huệ (khu phố Nhơn Hòa 1, phường 5, TP.Tân An) cung cấp 5.000 chiếc bánh ra thị trường
Cơ sở làm bánh tráng của chị Huệ sản xuất bánh bằng máy, trung bình mỗi ngày cho ra 5.000 chiếc bánh. Phải tận mắt chứng kiến cảnh mọi người tại cơ sở làm việc mới hiểu được để tạo ra 1 chiếc bánh tráng là cả quá trình, đòi hỏi người làm nghề phải thật sự khéo tay và tinh tế đến từng chi tiết. Mỗi ngày, từ 7-11 giờ, mọi người bắt đầu công đoạn tráng bánh. Bánh vừa ra mẻ nào là chuyển đi phơi nắng mẻ đó. Tùy theo nhiệt độ cao hay thấp, mọi người phơi bánh từ 30-60 phút, buổi tối hoặc sáng sớm sẽ đem bánh phơi sương trong 10 phút. Mọi thứ đều phải vừa đủ, nếu phơi nắng quá lâu, bánh sẽ bị giòn; còn phơi sương quá lâu, bánh sẽ nhão.
Theo chị Huệ, bánh lẻ có giá 40.000/xấp, mỗi xấp có 50 chiếc bánh. Từ giữa tháng 12 Âm lịch đến mùng 1 tết, cơ sở hoạt động hết công suất, mọi người làm cả ngày chủ nhật. Số lượng bánh tráng tiêu thụ tăng gấp 3 lần so với thời điểm bình thường.
Làng nghề làm bánh tráng truyền thống tại phường 5, TP.Tân An có từ rất lâu đời. Bên cạnh quy trình thủ công, một số hộ đầu tư máy móc để làm, song dù làm theo phương pháp nào thì đều góp phần xây dựng thương hiệu cho bánh tráng Long An.
Đa dạng đặc sản Châu Thành
Được xem là “vàng rồng”, những năm gần đây, thanh long vàng được nhiều người chọn chưng tết. Đầu tháng 10 Âm lịch, anh Nguyễn Minh Xuân (xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành) kết hợp 10 nhà vườn khác xông đèn 2ha thanh long vàng để kịp cho trái phục vụ thị trường tết. Theo anh, việc liên kết trong sản xuất giúp mọi người dễ tiêu thụ nông sản, sau 2,5-3 tháng xông đèn là thu hoạch, mọi năm giá thanh long vàng dao động từ 50.000-60.000 đồng/kg.
Bên cạnh trồng thanh long chưng tết, anh Xuân còn làm thanh long cảnh phục vụ nhu cầu trang trí tết. Anh Xuân chia sẻ: “Tượng trưng cho sự thịnh vượng, giàu sang, nhiều năm trở lại đây, thanh long cảnh được nhiều người yêu thích. Để làm thanh long cảnh, tôi phải canh ngày cho trái thanh long từ khi còn trên cây. Khoảng ngày 19, 20 tháng Chạp, tôi chọn những nhánh thanh long có trái tròn đều, vỏ láng mịn để ghép nhánh. Trước đó, tôi chuẩn bị chậu, làm khung tạo hình cho tháp, thanh long cảnh có thể sử dụng trang trí từ 15-20 ngày”.
Những con số tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc như 39, 79, 68, 86, 139,... thường được khách hàng lựa chọn làm tháp thanh long cảnh. Chậu có 9 trái giá từ 240-250 ngàn đồng, nhiều nhất là 139 trái có giá từ 5-8 triệu đồng, giá mỗi chậu phụ thuộc vào số lượng trái thanh long. Khách hàng của anh Xuân chủ yếu là các thương lái ở miền Bắc, miền Trung, một số ở Long An và TP.HCM, khách “mối” đã đặt hàng từ tháng 11 Âm lịch.
Bên cạnh thanh long, huyện Châu Thành còn được mọi người biết đến bởi đặc sản lạp xưởng và nem nướng làm từ thịt heo của Cơ sở lạp xưởng Kim Huệ (thị trấn Tầm Vu) do bà Lê Thị Huệ làm chủ. Hiện 2 sản phẩm này được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, xếp hạng 3 sao. Đây là nghề gia truyền của gia đình bà Huệ đến nay đã trên 70 năm.
Bà Huệ cho biết: “Trước đây, mẹ của tôi kinh doanh lạp xưởng và nem chua, sau này, mẹ truyền nghề cho tôi. Công thức làm nem nướng do tôi tìm tòi, nghiên cứu. Như mọi năm, vào tháng Chạp, cơ sở chuẩn bị các sản phẩm phục vụ thị trường tết, mỗi ngày làm 300-400kg lạp xưởng. Khách hàng thường mua lạp xưởng làm quà tặng từ ngày 15-20 tháng Chạp; còn với nem nướng, tiêu thụ nhiều từ ngày 25 tháng Chạp đến mùng 3 tháng Giêng. Lạp xưởng và nem nướng hút chân không có giá 260.000 đồng/kg, không hút chân không có giá 250.000 đồng/kg. Thay vì làm thủ công, hiện tại, tôi sử dụng máy móc ở một số công đoạn”.
Theo bà Huệ, mỗi sản phẩm là sự kết hợp của những nguyên liệu tươi ngon, bảo đảm an toàn thực phẩm, bên cạnh mùi vị thì chất lượng chính là yếu tố quan trọng “giữ chân” khách hàng. Song song đó, thay vì sử dụng loại rượu bán sẵn ngoài thị trường, bà sử dụng rượu thơm gia truyền để ướp lạp xưởng. Rượu được ngâm theo công thức riêng từ 3-4 tháng mới sử dụng.
Mỗi dịp tết đến, các đặc sản của tỉnh như thanh long, lạp xưởng, đậu phộng, bánh tráng, bánh in,... được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, góp phần tăng lượng tiêu thụ sản phẩm, cải thiện thu nhập cho người dân./.
Hoài An