Với bề dầy truyền thống lịch sử văn hóa, xã Nâm Nung (huyện Krông Nô) được tỉnh Đắk Nông xác định là một điểm dừng chân trên tuyến du lịch “Trường ca của nước và lửa” thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Trong căn bếp của gia đình, trước những bao lúa và cà phê, bà H’Krông, ở bon Yôk Ju, xã Nâm Nung, đang làm lễ cúng mừng mùa. Lễ vật đơn giản chỉ gồm một ché rượu cần, một con gà luộc, một đĩa trái cây và rau củ từ vườn nhà. Bà tâm sự, năm vừa qua gia đình thu được 40 bao lúa, hơn 2 tấn cà phê nhân, cuộc sống cũng no đủ. Việc cúng lúa mới là điều không thể thiếu trong văn hóa của người Mnông, để cầu cho năm tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
"Mừng lúa mới, sau khi thu hoạch xong đưa lúa về nhà, đón hồn lúa về, bây giờ thì có cà phê nữa. Mang hết các nông cụ về nhà, đón thần lúa về, để cầu sức khỏe cho gia đình, để không ốm đau, không bệnh tật, năm sau làm ăn tốt hơn, tỉa lúa được nhiều, trồng cà phê được năng suất" - bà H’Krông chia sẻ.
Bà H’Krông vừa thực hiện xong nghi lễ cúng lúa mới của gia đình
Những nghi thức cúng lúa mới, cúng sức khỏe trong phạm vi gia đình, hay lễ hội của bon làng cùng diễn tấu cồng chiêng, hát dân ca,… là những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp vẫn được người Mnông ở xã Nâm Nung gìn giữ. Đồng thời bà con cũng giữ được những nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan mây tre…
Nghệ nhân Y Nhan, ở bon Yôk Ju, xã Nâm Nung, cho biết: "Công việc của tôi là đan lát, đan nong, nia, gùi.. và còn rèn các nông cụ lao động nữa. Việc đó tôi tranh thủ làm lúc rảnh rỗi sau khi làm rẫy, làm cà phê, để gìn giữ lại nghề truyền thống của gia đình. Tôi làm để dùng trong gia đình là chủ yếu và ai hỏi mua thì tôi bán".
Khơi dậy những nét đẹp trong văn hóa truyền thống dân tộc, năm vừa qua, chính quyền xã Nâm Nung đã hỗ trợ người dân từng bước phát triển du lịch cộng đồng. Ông Y Krêu, phó trưởng bon Yôk Ju cho biết, bà con đã thành lập được các nhóm homestay, nhóm ẩm thực, nhóm văn hóa dân gian để phục vụ du khách. Các hợp tác xã dệt thổ cẩm, hợp tác xã làm rượu cần cũng đã có nhiều sản phẩm bán ra thị trường.
"Thành lập mô hình du lịch thứ nhất là mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, thứ hai là tiếp nối nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm ... và ẩm thực của các dân tộc; rồi quảng bá sản phẩm nông sản do mình làm ra, như cà phê, trái cây, rau... để phục vụ khách du lịch, mang lại thu nhập cho bà con" - theo ông Y Krêu.
Bon làng Nâm Nung chung vui Lễ hội Tăm Blang M'prang Bon
Xã Nâm Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) là vùng căn cứ thời Anh hùng N’Trang Lơng khởi nghĩa chống Pháp xâm lược, và được tiếp nối trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, nơi có căn cứ B4 – liên tỉnh IV đã được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Trên tuyến du lịch “Trường ca của nước và lửa” thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, Căn cứ địa Nâm Nung là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng, điểm di sản phục vụ du khách trên hành trình về nguồn.
Với nhiều con suối chảy ra từ rừng già, ở Nâm Nung có rất nhiều thác nước đẹp như Leng Kum, Leng Ôông, Leng Gungtao… Bên cạnh đó là khung cảnh nên thơ của cánh đồng lúa dưới chân núi lửa, vườn cây trái trên đồi đá bọt… Theo bà H’Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung, di tích lịch sử cách mạng, các thắng cảnh thiên nhiên cùng với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc là lợi thế để địa phương mở hướng phát triển du lịch. Thời gian qua, đã có những đoàn khách đến với Nâm Nung, một số sản phẩm thổ cẩm và rượu cần của bà con cũng đã bán được cho các địa phương lân cận và du khách, là những tín hiệu vui bước đầu để người dân làm du lịch cộng đồng.
"Thuận lợi nhất đối với mô hình du lịch cộng đồng này là tại xã có rất nhiều nghệ nhân, về cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan mây tre, và nghệ nhân hát dân ca, hát kể sử thi. Và theo tôi thì với sự từng bước phát triển của bà con thì chắc chắn dần dần sẽ làm được" - bà H’Thương bày tỏ.
Có bề dầy truyền thống lịch sử văn hóa, có những ưu đãi về thiên nhiên, với những con người hiền hòa mến khách, Nâm Nung có nhiều lợi thế để làm du lịch. Tuy vậy, vùng đất này đang rất cần sự đầu tư tương xứng để khơi dậy, phát huy những tiềm năng sẵn có, thực sự là một điểm đến trên hành trình du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông./.
Minh Huệ