Những ngày đầu năm 2023, những người làm công tác bảo tồn động vật hoang dã sửng sốt và vui mừng khi một quần thể nhỏ loài voọc quần đùi trắng lần đầu tiên được tìm thấy trong tự nhiên ngay tại Hà Nội. Tuy nhiên, hành trình để theo dấu vết loài động vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới không hề dễ dàng.
Những năm 90 thế kỷ XX, những cá thể voọc quần đùi trắng tồn tại và phát triển nhiều trên những sống lưng đá vôi trải dài từ Vân Long (Ninh Bình) tới Rốn Rồng (Hòa Bình). Thế nhưng, sau đó, loài động vật đặc hữu chỉ có tại Việt Nam này đã bị xóa sổ bởi nạn săn bắn, bẫy bắt.
Trước nỗi đau này, có những người đang ngày đêm đeo đuổi sứ mệnh thầm lặng: Cứu hộ đàn voọc quần đùi trắng thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng trong vòng vây mưu sinh của con người.
Hành trình truy vết… xuyên lục địa
Voọc quần đùi trắng có tên gọi khoa học là Trachypithecus delacouri, là một loài linh trưởng cỡ lớn, thuộc họ khỉ. Chúng được xác định là loài đặc hữu của Việt Nam, không có ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất, có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, xếp hạng rất nguy cấp.
Cách đây hơn 30 năm, nhiều người cho rằng loài voọc này đã tuyệt chủng trên toàn cầu khi dấu vết duy nhất còn sót lại là chiếc tem có hình voọc quần đùi trắng do Bưu chính Việt Nam phát hành năm 1959, được lưu giữ ở Cộng Hòa Liên bang Đức.
Một cá thể voọc quần đùi trắng được chụp tại Kim Bảng, Hà Nam (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển)
Giữa lúc này, giới khoa học thế giới chấn động khi một nhà sinh vật học người Ba Lan trong khi nghiên cứu tại Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) tình cờ chụp được bức ảnh của voọc quần đùi trắng. Ngay lập tức, thông tin trên được đưa đến với các tổ chức chuyên môn về bảo tồn trên toàn thế giới.
Voọc mông trắng có tên gọi khoa học là Trachypithecus delacouri, được đặt tên theo nhà điểu học người Mỹ gốc Pháp Jean Théodore Delacour, là một loài linh trưởng cỡ lớn, thuộc họ khỉ (Cercopithecidae), bộ linh trưởng (Primates) được xác định là loài đặc hữu của Việt Nam, không có ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất, có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và thế giới, xếp hạng CR-rất nguy cấp (Critically Endangered).
Một ngày cuối đông năm 1991, từ nước Đức xa xôi, ba người đàn ông là thành viên Hội Động vật học Frankfurt, trong đó có Tiến sĩ Tilo Nadler mang theo số lượng lớn hành lý, đáp máy bay tới Việt Nam để theo dấu và lên kế hoạch bảo tồn loài linh trưởng quý giá này. Ngày ngày, họ vào rừng, dựng lều rồi… nằm lì ở lại để… đợi voọc trên những vách núi đá vôi dựng đứng. Đồng bào dân tộc đã mắt tròn, mắt dẹt khi thấy các ông Tây thi thoảng lại… vác máy ảnh, trèo lên những ngọn cây cao ngất, mắt chăm chắm nhìn về phía vách đá trắng đối diện.
Ròng rã nhiều tháng trời, đoàn “tìm voọc xuyên lục địa” ăn rừng, uống sương… trong niềm hy vọng chấp chới và những dấu vết mờ nhạt. Phải tới tận gần 1 năm sau đó, các máy ảnh của Tilo mới “bẫy” được những bức hình đầu tiên về loài voọc tưởng chừng như đã biến mất trên toàn cầu.
Gia đình voọc quần đùi trắng. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển)
Giữa núi rừng Cúc Phương hùng vĩ, họ hét vang lên làm sững sờ cả dân bản địa. Bắt đầu từ đây, voọc quần đùi trắng đã chính thức được khẳng định có tồn tại trong tự nhiên.
Ngay sau đó, Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC) đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương cũng được xây dựng, mở ra một tương lai mới cho Trachypithecus delacouri trên chính quê hương của mình. Nhờ nỗ lực của ERPC chuyên gia, tình nguyện viên của các tổ chức trong và ngoài nước, voọc quần đùi trắng bắt đầu phát triển tốt và ổn định tại các dãy núi đá vôi thuộc các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình và Thanh Hóa.
Ăn rừng, ngủ núi theo dấu voọc quần đùi trắng
Biết chúng tôi đang tìm tư liệu về voọc quần đùi trắng, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) đã dành hẳn một buổi chiều để cung cấp thêm những thông tin mới nhất do anh và các đồng nghiệp tại CCD nghiên cứu, khảo sát hơn 10 năm qua.
Theo Tiến sĩ Hà, sau một giai đoạn phục hồi tốt, hiện nay, voọc quần đùi trắng lại đang đối mặt với sự thu hẹp đáng kể về sinh cảnh sống.
Nhìn trên bản đồ vệ tinh, vị chuyên gia đến từ CCD cho hay: Voọc quần đùi trắng chủ yếu sinh sống trên các sống núi đá vôi chạy dọc từ Sơn La về tới Vân Long (Ninh Bình) theo trục Tây Bắc, trước khi kết thúc tại Pù Luông, Thanh Hóa. Trước đây, các nhà khoa học thống kê được 18 khu sinh cảnh chính, tuy nhiên hiện nay, tại Pù Luông, loài linh trưởng này đã biến mất hoàn toàn.
“Ngay cả tại rừng quốc gia Cúc Phương, voọc quần đùi trắng cũng đã không còn được ghi nhận sự hiện diện trong tự nhiên nữa”, ông Hà ngậm ngùi cho hay.
Theo ông Hà, hiện nay, 2 quần thể lớn nhất là tại Vân Long (Ninh Bình) và Kim Bảng (Hà Nam) với lần lượt khoảng 250 và 70 cá thể được phát hiện. Trachypithecus delacouri đang đối diện với nhiều nguy cơ như sự thu hẹp sinh cảnh sống và nạn săn bắt của con người.
Hoạt động khai thác đá tại Kim Bảng, Hà Nam làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh cảnh sống của voọc quần đùi trắng. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển)
“Điển hình như tại khu vực Rốn Rồng (Lạc Thủy, Hòa Bình), qua điều tra thực địa, CCD phát hiện 4 cá thể voọc quần đùi trắng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau khi quay lại, 2 cá thể trong đàn đã… biến mất”, Tiến sĩ Hà thông tin thêm.
Hiện nay, Voọc mông trắng chỉ còn tồn tại khoảng 300 cá thể ngoài tự nhiên và được phân bố chính tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long tỉnh Ninh Bình (khoảng 200 cá thể) và gần 100 cá thể ở vùng rừng thuộc tỉnh Hà Nam. Ngoài ra loài này còn phân bố tự nhiên rải rác với số lượng không đáng kể.
Trước nguy cơ mới ấy, một hành trình mới để kiếm tìm và “giữ nhà” cho loài động vật linh trưởng đặc hữu của Việt Nam lại được bắt đầu. Từ khoảng năm 2008-2010, các cán bộ của Trung tâm bảo tồn thiên nhiên và phát triển lại một lần theo bước chân “những ông Tây yêu Việt Nam” năm nào, xách ba lô, cõng nước ngọt vào rừng… tìm voọc.
Dựa trên những thông tin của người dân đi rừng tại khu vực Kim Bảng (Hà Nam), giữa năm 2016, CCD cùng Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) đã phối hợp với Chi cục kiểm lâm Hà Nam tiến hành khảo sát thực tế. Là một trong những thành viên góp mặt, Bùi Thanh Tùng (cán bộ thực địa của CCD) vẫn không thể quên được những ngày tháng đó.
Do đặc điểm khu vực tiến hành khảo sát là rừng mọc trên đá vôi nên địa hình rừng Kim Bảng chủ yếu là các tán cây bụi thấp rất khó đi. Để tiếp cận được khu vực cư trú của voọc, đoàn khảo sát buộc phải gửi xe lại bìa rừng rồi nai nịt, mang theo mỳ tôm, lương khô cùng lỉnh kỉnh đủ loại máy móc cuốc bộ, cắt rừng, trèo lên những ngọn núi đá vôi chót vót - nơi voọc quần đùi trắng cư trú.
“Trung bình, mỗi chuyến khảo sát kéo dài từ 5-7 ngày. Do quy định giữ rừng, chúng tôi sẽ phải mang theo toàn bộ lương thực, thực phẩm của cả hành trình theo người. Hành lý có lúc nặng đến cả chục kilogam”, Tùng nhớ lại.
Dốc nối dốc. Đường leo lên đỉnh núi đá vôi ngày càng đứng thẳng, như lưng con ngựa bỗng giật mình chồm lên hí. Cây bụi thấp lòa xòa níu chặt chân người. Có những lúc, cả đoàn không thể đi hay bò một cách bình thường mà phải ép sát thân mình vào mặt đất, hì hục gò lên từng bước. Áo ngoài và khăn đeo đầm đìa mồ hôi.
Vào tới rừng, việc đầu tiên là phải lập lán trại. Tất cả các thành viên, người căng bạt, kẻ dựng khung… nhanh chóng chăng lên những túp lều dã chiến màu xanh trên trảng rừng già. “Căn nhà” thô sơ và ọp ẹp đến độ, đêm nằm ngủ, gió tứ bề rin rít thổi lùa vào, mang theo hơi núi đá lạnh buốt.
Sở dĩ chúng tôi phải lập lán ngủ lại bởi voọc tại Kim Bảng lúc ấy rất nhát người. Thoáng thấy tiếng chân, tiếng nói là chúng sẽ tản đi hoặc chui tọt vào hang. Những ngày đầu, do chưa có kinh nghiệm nên cả đoàn cứ vào rừng rồi ra mà không được kết quả nào cả”, Bùi Thanh Tùng giải thích.
Ngủ đã khổ, chuyện kiếm nguồn nước còn gian nan hơn. Địa hình rừng mọc trên núi đá vôi khiến cho nước rút sâu vào trong địa mạo. Để sinh tồn, những cán bộ bảo tồn buộc phải đỏ mắt tìm những vũng ít ỏi còn sót lại, dùng từng gầu múc, hứng đem về sử dụng. Cứ phát hiện nước ở đâu, cả đoàn sẽ hạ trại ngay nơi đó.
Về sau, để chủ động hơn, anh em đi thực địa lại nghĩ ra đủ cách để có nước uống giữa rừng già. Chỉ cho chúng tôi bức ảnh “gùi téc inox” vào rừng sâu, Bùi Thanh Tùng tủm tỉm cười: “Đi theo dấu voọc không phải lúc nào cũng có thể tìm được nước nguồn. Bởi vậy, anh em nghĩ ra cách cõng téc nước lên núi. Tới nơi, chúng tôi sẽ hứng từng ngụm, hứng cả sương đêm trên lá cỏ để tích trữ, dùng dần trong các lán trại”.
Với những khu vực không thể đưa téc vào, nhóm nghiên cứu thậm chí còn kỳ công đào bể chứa ngay trên mặt rừng rồi lót bạt, chăng ni-lông phía trên để hứng mưa chảy xuống. Đặc biệt nhất, để tránh nước bị ô nhiễm do lá rụng hay các loài lưỡng cư nhảy vào… đẻ trứng, họ còn… mắc màn che cho bể.
Ăn rừng, ngủ núi, canh giấc… voọc có lẽ là cách miêu tả chính xác nhất công việc của những cán bộ thực địa tại Hà Nam giai đoạn này. Ngày ngày, họ cũng phải dậy từ tờ mờ sáng rồi leo tít lên các ngọn cây cả chục mét, ngồi thu lu chĩa ống nhòm về phía các vách đá vôi phía đối diện. Chừng một lát sau, không thấy tiếng người, bầy voọc… mông trắng mới ló đầu ra khỏi các hang núi, rồi vun vút chuyền sang những tán cây kiếm ăn. Chiều về, Tùng và đồng nghiệp lại lặp lại quá trình “ẩn nấp” như thế chỉ để ghi lại những hình ảnh xác thực nhất về một trong những loài động vật quý hiếm bậc nhất Việt Nam.
Mắc màn cho bể nước - cách làm chỉ những cán bộ thực địa theo chân loài động vật linh trưởng quý mới nghĩ ra. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển)
Thành quả của những chuỗi ngày ấy là tới năm 2018, một công trình nghiên cứu đã được công bố, qua đó khẳng định Kim Bảng là nhà của quần thể voọc quần đùi trắng lớn thứ hai Việt Nam sau Vân Long (Ninh Bình) với khoảng 70 cá thể. Từ đó, nhiều đề án bảo vệ, bảo tồn cũng lần lượt ra đời.
Và đặc biệt, phát hiện tại Hà Nam, kết hợp với những khảo sát nghiên cứu trước đó của CCD cũng mở ra hy vọng cho việc sẽ tìm thấy voọc ngay tại một sống lưng đá vôi khác ngay tại Thủ đô Hà Nội sau đó không lâu.
“Kết quả tại Kim Bảng (Hà Nam) cùng những khảo sát trước đó của chúng tôi đã tạo động lực cho CCD quyết tâm phải tìm và chứng minh được sự tồn tại của voọc quần đùi trắng tại Hà Nội. Rất may, những nỗ lực này của tất cả chúng tôi đã được đền đáp” – TS Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển CCD.
Sơn Bách