Phú Yên: Tăng cường kết nối, quảng bá, thu hút khách du lịch

Cập nhật: 10/01/2023
Năm 2023, phát huy những kết quả phục hồi và phát triển của năm 2022, ngành Du lịch Phú Yên đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng khách du lịch khoảng 10% so với năm trước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ và Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Thị Hồng Thái trao chứng nhận cho các đầu bếp tham gia sự kiện xác lập lỷ lục 101 món ăn từ cá ngừ đại dương Phú Yên. Ảnh: Trần Quới

Năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến Phú Yên hơn 2,22 triệu lượt, đạt 111% kế hoạch năm.

* Năm qua, Du lịch được xem là một trong những ngành có kết quả phục hồi và phát triển ấn tượng nhất trong bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Bà có thể cho biết những kết quả mà ngành đạt được trong năm 2022?

- Đầu năm 2022, sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, sở đã huy động mọi nguồn lực, sự hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương, đơn vị và sự chung tay của người dân, cộng đồng doanh nghiệp tập trung triển khai các nhiệm vụ, hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Kết quả, toàn ngành thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu (2 chỉ tiêu về biểu diễn nghệ thuật và chiếu phim phục vụ vùng miền núi chưa đạt được do điều kiện khách quan những tháng đầu năm 2022 vẫn còn diễn biến dịch COVID-19). Trong đó, lĩnh vực du lịch có kết quả phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên là 2,22 triệu lượt, đạt 111% kế hoạch năm, tăng khá so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19. Tổng lượt khách lưu trú đạt hơn 1,3 triệu lượt, doanh thu hoạt động du lịch 2.790 tỉ đồng, đạt 124,4% kế hoạch năm (trong đó doanh thu lưu trú đạt 386,3 tỉ đồng). Thị trường khách du lịch nội địa chủ yếu là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên.

Đến nay, toàn tỉnh có 400 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch; trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao, 4 khách sạn 3 sao, 4 khách sạn 2 sao, 38 khách sạn 1 sao, 82 khách sạn, 89 nhà nghỉ và 26 homestay đáp ứng đủ điều kiện tối thiểu kinh doanh lưu trú du lịch; một số cơ sở lưu trú khác đang làm thủ tục đăng ký thẩm định công nhận loại hạng theo quy định. Tổng số buồng lưu trú du lịch hiện có khoảng 6.870 buồng, trong đó có gần 800 buồng đạt tiêu chuẩn 3-5 sao. Tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch khoảng 6.450 người.

* Quảng bá, xúc tiến du lịch góp phần quan trọng vào kết quả đạt được trong lĩnh vực du lịch. Vậy công tác này trong năm qua được triển khai như thế nào và định hướng năm mới 2023, thưa bà?

- Quảng bá, xúc tiến du lịch luôn được ngành xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu nhằm thu hút khách du lịch. Khi có quyết định mở cửa du lịch (từ ngày 15/3/2022), ngành Du lịch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông việc tái khởi động trên website và các trang mạng xã hội, tham gia các sự kiện quảng bá du lịch lớn của các tỉnh, thành phố. Ngành cùng các doanh nghiệp du lịch tham gia hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội; VITM Đà Nẵng; hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh - ITE HCMC; tham gia và phối hợp tổ chức hội thảo “Tour một hành trình ba điểm đến Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa nhằm phục vụ thị trường khách du lịch Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản”; hội nghị “Xúc tiến du lịch Ấn Độ vào các tỉnh Nam Trung Bộ”; quảng bá, xúc tiến tại tỉnh Bạc Liêu nhân lễ hội Dạ cổ hoài lang; liên kết, hợp tác du lịch tại các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long; ký kết hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, Quảng Ngãi…

Qua những hoạt động này, các doanh nghiệp trong tỉnh đã tiếp cận và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng của mình tới du khách và các địa phương trên cả nước; các hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng quảng bá dịch vụ và sản phẩm du lịch mới, ký kết hợp đồng kinh doanh, thiết lập mối quan hệ với các đối tác.

Năm 2023, công tác này tiếp tục tăng cường mạnh mẽ hơn nữa. Sở sẽ tổ chức các đoàn báo chí, doanh nghiệp lữ hành khảo sát điểm đến, để hình thành các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch của tỉnh; các chương trình xúc tiến du lịch; tham gia hội chợ, hội nghị, hội thảo về du lịch; liên kết, hợp tác với các tỉnh thành, các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các tuyến du lịch nối liền giữa miền biển đảo với các tỉnh Tây Nguyên; triển khai kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; phối hợp các ngành, địa phương xây dựng sản phẩm du lịch mới.

* Thiếu các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo là một trong những hạn chế lớn của du lịch Phú Yên. Thời gian tới, vấn đề này được khắc phục thế nào, khi gần đây, một số điểm phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp không đúng quy định đã phải tạm dừng?

- Năm 2022, du lịch Phú Yên đã tạo dấu ấn đặc biệt trong mắt bạn bè, du khách, với 2 kỷ lục Việt Nam. Đó là xác lập 101 món ăn từ cá ngừ đại dương Phú Yên và kỷ lục 100 món ăn chế biến từ tôm hùm (TX Sông Cầu), góp phần xây dựng thương hiệu du lịch, Phú Yên trở thành điểm đến hấp dẫn - thân thiện.

Ngành Du lịch luôn tạo điều kiện, cơ chế, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm đặc trưng, mang lại giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Các đầu bếp trình diễn các món ăn trong sự kiện xác lập lỷ lục 101 món ăn từ cá ngừ đại dương Phú Yên. Ảnh: Trần Quới

Quan điểm chung của ngành là ủng hộ sự đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, nhưng phải thực hiện đúng các quy trình thủ tục, quy định của pháp luật. Đơn cử, trong năm 2022, sau khi phối hợp kiểm tra, Sở VHTTDL đã tham mưu UBND tỉnh quyết định công nhận điểm du lịch sinh thái Thác Jrai Tang (xã Ea Trol, huyện Sông Hinh). Đây là một trong những sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng mới phát triển đang được doanh nghiệp đưa vào khai thác, góp phần phong phú thêm hệ sinh thái sản phẩm du lịch của tỉnh. Thời gian tới, ngành sẽ phối hợp các địa phương, rà soát, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng quy định pháp luật, phát triển càng nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng càng tốt.

* Thưa bà, mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm nào trong năm 2023 về phát triển du lịch mà ngành đặt ra?

- Về mục tiêu định lượng, Phú Yên phấn đấu lượt khách du lịch trong năm 2023 tăng khoảng 10% trở lên so với năm trước, với 2,4 triệu lượt (trong đó có 15.000 lượt khách quốc tế).

Để đạt được mục tiêu này, ngành triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trọng tâm là tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản, chương trình, kế hoạch, bám sát chương trình hành động của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Tham mưu UBND tỉnh (đề nghị Bộ VHTTDL) thực hiện công tác quy hoạch các khu di tích, danh thắng trọng điểm như: Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn, Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa...; quan tâm đầu tư, trùng tu, tôn tạo các di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các đề án, chương trình hỗ trợ đầu tư khai thác các giá trị di sản văn hóa, văn hóa ẩm thực, làng nghề gắn với phát triển du lịch. Tổ chức chương trình khảo sát, xây dựng, kết nối, quảng bá, xúc tiến du lịch; đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch. Phối hợp với các ngành, địa phương trong việc xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng và điểm du lịch thuộc Chương trình OCOP, phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn…

* Xin cảm ơn bà!

Trần Quới (thực hiện)

Nguồn: Báo Phú Yên - baophuyen.vn - Đăng ngày 08/01/2023