Việt Nam có 3.260 km bờ biển, đứng thứ 27 trong 156 quốc gia có biển trên thế giới; với vùng biển rộng gần 1 triệu km2 và khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ..., Việt Nam có quá nhiều lợi thế để phát triển du lịch biển, đảo so với nhiều nước trong khu vực. Việt Nam có đủ các điều kiện tự nhiên phát triển đa dạng các loại hình du lịch biển đảo như du lịch sinh thái, khoa học, lặn ngầm, tắm biển, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, thể thao giải trí, lặn biển, du ngoạn... lặn biển...
Đánh giá về tiềm năng phát triển du lịch biển, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng: Du lịch biển Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển hơn so với du lịch trên đất liền. Vì nước ta có nhiều bãi biển khá bằng phẳng, nước biển trong, sóng gió vừa phải, không có chỗ nước xoáy, không có sinh vật gây hại. Sự kết hợp hài hoà giữa cảnh quan thiên nhiên biển-đảo, hang động ngầm, cảnh quan ngầm của các rạn san hô với phong cảnh thiên nhiên và các giá trị văn hoá xã hội vùng ven biển...
Các giá trị vốn có nói trên rất thích hợp cho việc phát triển các cụm hoặc khu du lịch tập trung với các loại hình đa dạng như du lịch sinh thái, khoa học, lặn ngầm, tắm biển, thể thao giải trí, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, mạo hiểm du ngoạn, du lịch lặn... Hiện nay, các loại hình du lịch biển này đã bắt đầu phát triển ở Nha Trang dựa trên cơ sở khai thác các giá trị dịch vụ của rạn san hô. Bên cạnh đó, nước ta còn có lợi thế phát triển du lịch biển là do có vùng biển rộng, bờ biển dài, nhiều đảo khí hậu nhiệt đới gió mùa, bãi biển đẹp, lại giàu đa dạng sinh học, nhiều phong cảnh đẹp, và di tích lịch sử ven biển.
Dọc ven biển nước ta đã xác định được khoảng 126 bãi cát biển có thể chứa khoảng vài chục đến vài trăm ngàn người, trong đó có khoảng 20 bãi cát biển đạt tiêu chuẩn quốc tế, dài 16km. Đó là chưa kể đến hàng trăm bãi biển nhỏ, đẹp, nằm ven các vụng, vũng tĩnh lặng, ven các đảo hoang thuộc quần đảo Tây Bắc vịnh Bắc Bộ, quần đảo Cát Bà, Cù Lao Chàm, cụm đảo Hòn Mun, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc. Tuy sức chứa khách không lớn, nhưng rất thích hợp với loại hình du lịch picnic, du ngoạn của các nhóm nhỏ du khách yêu thiên nhiên.
Những phong cảnh đẹp, kỳ thú trên biển cũng là lợi thế thu hút khách du lịch đến với Việt Nam như: năm 1994, vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới; năm 2003, vịnh Nha Trang (năm 2003), vịnh Lăng Cô (năm 2009) được công nhận là một trong 30 vịnh đẹp nhất thế giới. Việt Nam còn có 17 khu bảo tồn biển đang được quy hoạch trình Chính phủ phê duyệt sẽ góp phần phát triển du lịch sinh thái biển và là nơi phát triển các nghề mới cho người dân như câu cá, đánh cá giải trí, nuôi cá cảnh san hô; hai thành phố ven biển là Huế và Hội An được công nhận là Di sản văn hoá Thế giới. Ngoài ra, các khu di sản thế giới Thánh địa Mỹ Sơn và Động Phong Nha đều nằm ven biển. Tất cả, không chỉ để duy trì nguồn lợi đa dạng sinh học cho vùng biển, mà còn là "cơ sở tài nguyên" để phát triển thành những cụm du lịch liên hoàn và du lịch sinh thái biển trong tương lai.