Xây dựng, phát triển thành phố Cà Mau - thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh, có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị vùng ĐBSCL là Chương trình hành động của UBND tỉnh để xây dựng và phát triển đô thị thành phố Cà Mau.
Sau sáu năm thực hiện, Đề án văn hoá đô thị và Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20/11/2003 của Tỉnh uỷ về “xây dựng và phát triển thành phố Cà Mau đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, đời sống văn hoá của nhân dân thành phố Cà Mau đã có những chuyển biến rõ nét.
Điều kiện cơ sở vật chất là tiền đề để phát triển các thiết chế văn hoá, tạo sự giao thương hàng hoá, giao lưu văn hoá các vùng miền, thuận lợi trong đi lại, học hành, làm việc. Bộ mặt phố phường đã khang trang hơn, hệ thống giao thông nối liền các xã, phường; chợ trung tâm, trường học, các công trình công cộng được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cư dân.
Là một đô thị trẻ, Cà Mau đã có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư phát triển khu công nghiệp, đô thị; đối với nhu cầu tìm việc làm cho lao động đến từ nhiều địa phương trong cả nước; là nhu cầu học tập của thanh niên, học sinh với hàng chục trường Cao đẳng, Trung cấp, cơ sở dạy nghề, trường phổ thông… gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống, mối quan hệ tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng.
Xây dựng đời sống văn hoá là một quá trình vận động mang tính lâu dài, toàn diện và là trách nhiệm của toàn xã hội. Đó chính là cuộc vận động vì con người, cho con người, từ đó bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội. Kết quả đó bắt đầu từ nhận thức của mỗi người. mỗi gia đình, ấp, khóm văn hoá.
Trong công tác xây dựng đời sống văn hoá, tạo ra sự chuyển biến về nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi cá nhân là quan trọng. Sự nhận thức đó có được do trình độ dân trí, do sự tích cực tuyên truyền, vận động, do tác động của hoàn cảnh chung quanh. Như trong vấn đề vệ sinh môi trường, không thể rầm rộ ra quân dọn vệ sinh trên các tuyến đường, vớt rác trên sông, thu gom rác tại các công trình công cộng…để rồi sau chiến dịch, mọi việc trở về như cũ, rác vẫn đầy các bến sông, ven chợ, trên các tuyến đường, các công trình công cộng…Lm sao để mọi người ý thức được việc xả rác xuống sông gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, lây lan dịch bệnh, mất mỹ quan đô thị; làm nhà vệ sinh trên sông rạch, để cỏ rác um tùm quanh nhà là mầm mống của dịch sốt xuất huyết, các bệnh truyền nhiễm khác…Để từ đó, mọi người tự giác thực hiện đúng theo tiêu chí văn hoá: ăn ở hợp vệ sinh.
Chính việc nâng cao nhận thức trong quan hệ cộng đồng sẽ khơi dậy tình tương thân, phòng vệ chắc chắn trước các tệ nạn xã hội, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Những yếu tố đó tạo nên sự tiến bộ xã hội. Trong gia đình, khi mỗi nhà đều nhận thức được việc giữ gìn nề nếp gia phong, truyền thống gia đình. Có rất nhiều gia đình trong thành phố đã phát huy tốt truyền thống hiếu học. các gia đình đều thi đua để tạo điều kiện tốt nhất cho con em mình ăn học thành tài.
Những kết quả ban đầu rất cơ bản, đạt tiêu chí đô thị loại II là mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cà Mau. Nhưng quan trọng hơn cả là làm thế nào để mỗi một công dân thành phố luôn tự hào về thành phố của mình, luôn mong muốn thành phố “của mình” đẹp hơn, sạch hơn, an toàn hơn, thân thiện hơn.