Ngược dòng lịch sử, từ buổi mở cõi mấy trăm năm trước, đất Cà Mau là nơi thiên nhiên hoang sơ, sình lầy, nhưng tràn ngập các sản vật sẵn có. Một trong những sản vật nổi danh mà cư dân bản địa khai thác để buôn bán với các thương lái người Hoa là “điểu đình” (lông vũ các loài chim quý), và người dân phải nộp loại thuế gọi là “thuế điểu đình”.
Những vườn chim lớn nhất ở Cà Mau thuộc vùng Chắc Băng, Ðầm Dơi, Cái Nước... sách Ðại Nam Nhất thống chí ghi: “Dân siêng làm ăn ở gần rừng thì bắt chim và tổ ong để bán”. Theo mô tả của các tài liệu và trí nhớ của các bậc cao niên, chỉ riêng trứng chim thì dân phải dùng ghe để chở.
Những vườn chim, sân chim, mới đây thôi còn là niềm tự hào của người dân Cà Mau, thì nay đã dần thưa bóng. Tưởng là chuyện chim trời, cá nước nhưng hoá ra lại phản ánh đầy đủ tâm thế và cung cách ứng xử của con người với thiên nhiên. Nhiều người chỉ nhớ tiếc cái thời rừng vàng, biển bạc đã qua, chậc lưỡi rồi mải miết lao vào cuộc mưu sinh vất vả. Riêng ông Trương Công Sự (đã tạ thế vào năm 2021), người gốc Hải Dương, về Cà Mau từ năm 1979, không nghĩ vậy. Mua được thửa đất 16 ha với giá 1 cây 6 chỉ vàng tại ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình, khi chim trời chọn đất lành tụ về, ông không hề do dự mà dành phần lớn đất đai để bảo tồn, phát triển đàn chim. Ðó là tâm huyết của cả đời ông, và bây giờ được trao truyền lại cho anh Trương Minh Thắng, con trai út của gia đình.
Hồi nhớ lại quãng thời gian tuổi thơ, anh Thắng chia sẻ: “Khi về lập nghiệp, vùng này nhiễm phèn nặng chỉ trồng được mía, khóm. Ðời sống gia đình vất vả lắm. Là người yêu thiên nhiên, cha tôi trồng thêm nhiều tre, trúc, cây cối trên phần đất canh tác. Từ năm 2000, chim về nhiều, mới đầu chỉ một khoảnh, sau này ngày càng đông”.
Anh Trương Minh Thắng, bằng tình yêu thiên nhiên, với quyết tâm gìn giữ vườn cò Tư Sự, đã tạo nên điểm nhấn quý giá của bức tranh du lịch Cà Mau.
Nếu tính riêng ở tỉnh Cà Mau, vườn cò tư nhân Tư Sự vào loại có quy mô lớn nhất ở địa phương, nếu không nói rộng ra là cả ở miền Tây Nam Bộ. 16 ha đất, gia đình anh Thắng dành 10 ha làm vương quốc của hơn 20 loài chim, số lượng cá thể ước khoảng gần 150 ngàn con. Trong đó, có nhiều loại chim mới xuất hiện, tìm về mà anh Thắng cũng không biết gọi bằng tên gì cho chính xác.
Khi được hỏi “chia đất” cho chim nhiều vậy, gia đình có băn khoăn gì không, anh Thắng nở một nụ cười tươi rói: “Gia đình chỉ cần sống đủ là được, còn vườn chim này nhất quyết phải giữ, bởi nó là tài sản quý nhất, là tâm nguyện cả đời của cha tôi để lại”. Ngay cả 6 ha đất canh tác lúa, tôm còn lại, gia đình anh Thắng cũng tính toán để trở thành vùng đệm cho vườn chim.
Bằng sự tìm tòi, học hỏi, nhất là tình yêu thiên nhiên mãnh liệt, anh Thắng đã quy hoạch lại diện tích đất của mình một cách khoa học, trong đó ưu tiên lớn nhất vẫn là việc bảo tồn, phát triển đàn chim mà gia đình anh coi là lộc trời ban cho. 10 ha dành cho chim, anh Thắng bao ví ngọt hoá, trồng tràm, tre, trúc, gừa, đước, mắm, bình bát... các loại cây bản địa vốn là môi trường tự nhiên để chim cư ngụ. Ðất Biển Bạch Ðông hiện nay là đất lợ, có sự pha trộn hài hoà giữa hệ sinh thái ngập ngọt và rừng ngập mặn, thế nên cảnh trí của vườn cò Tư Sự trở nên phong phú và sinh động đến lạ lùng. Anh Thắng còn tính toán một ao nước ngọt dự trữ, tích nước để cung cấp cho vùng lõi vườn chim vào mùa khô, đảm bảo sự cân bằng của hệ sinh thái.
Do vườn chim nằm ở ngay tuyến giao thông huyết mạch Hành lang ven biển phía Nam, dân cư đông đúc, gia đình anh Thắng đã xây dựng hàng rào bao quanh chu vi đất để bảo vệ đàn chim. Năm 2017, 2018, khi có ý định làm du lịch, ông Tư Sự và anh Thắng đã trăn trở rất nhiều. Bởi nếu không tính toán, rất dễ tổn hại đến vườn chim. Rồi du lịch vẫn phải làm, nhưng vườn chim vẫn phải giữ. Ðiều cốt yếu nhất mà cả hai cha con nông dân này thống nhất là chỉ để khách tham quan, trải nghiệm vườn chim, còn du lịch chỉ khai thác các sản vật dưới mặt nước như cá, tôm, cua... còn vườn chim thì tuyệt đối không được đụng chạm đến.
Theo anh Thắng lý giải: “Loài chim có thiên tính rất mạnh, chỉ cần nhận thấy sự nguy hiểm sẽ rời đi ngay. Thế nên khi có du khách đến hỏi vườn chim cò phải có các món này, món kia, gia đình đành từ chối. Khách cũng không hề phiền lòng, mà qua nhiệt huyết, cái tâm của người chủ thì thêm san sẻ, lan toả tình yêu thiên nhiên, trân quý những giá trị quý giá mà nơi đây đang gìn giữ".
Hoá ra vườn cò Tư Sự lại là nơi trải nghiệm trở về với thiên nhiên tuyệt vời trong mắt của ngày càng nhiều du khách. Theo anh Thắng, lượng du khách đông nhất là từ các tỉnh miền ngoài, qua các kênh thông tin biết được và tìm về. Ðặc biệt là đối tượng các nhóm bạn trẻ thích du lịch bụi, phượt. Chỉ cần về đắm mình với thiên nhiên, thưởng thức những món đặc sản dân dã như cá, tôm, cua ở đây bên bờ tràm, bụi trúc thì đã rất ưng ý. Giá cả trọn gói trải nghiệm, ẩm thực của vườn cò Tư Sự hết sức cạnh tranh. “Chỉ khoảng 200 ngàn đồng thôi, khách về đây đã vừa no mắt, vừa no lòng, vừa lưu giữ lại những ấn tượng đẹp về vườn chim của gia đình. Cái chính là vườn chim phục vụ những sản vật sẵn có, không phải mua nguyên vật liệu nên hết sức thoải mái”, anh Thắng chia sẻ.
Du lịch trải nghiệm đang được các bạn trẻ ưu tiên lựa chọn. Ảnh: Nhật Minh
Nói về dự định phát triển du lịch, anh Thắng cho biết: “Gia đình đã tính toán rất kỹ, các khu ăn uống và sắp tới là một khu lưu trú phải tách biệt với vườn chim, tránh tác động tiêu cực”. Ngay cả nguồn lợi cá đồng dưới chân rừng được tái tạo, phát triển hàng chục năm qua, gia đình anh Thắng cũng nhất quyết gìn giữ, chỉ cho khách trải nghiệm chớ không thu hoạch, bán vé cho dân câu chuyên nghiệp. Anh Thắng trải lòng: “Vườn chim là sản phẩm du lịch chủ lực của gia đình, giữ được vườn chim là giữ được nét riêng của Tư Sự, nếu chỉ tính cái lợi trước mắt, vườn chim mất đi thì mình cũng sẽ mất đi tất cả”.
Trong tâm tư người thanh niên trẻ chủ vườn cò Tư Sự còn một số gút mắc. Anh Thắng trăn trở: “Năm 2022, mùa mưa bão làm hư mấy ngàn trứng cò, trứng chim, nhiều chim non chết, tôi thương đứt ruột mà chưa tìm được cách khắc phục. Gia đình mong mỏi ngành chức năng có sự hỗ trợ về chuyên môn, tư vấn tìm cách để giảm bớt hao tổn cho đàn chim”. Khi số lượng cá thể và quy mô vườn chim ngày càng mở rộng, anh Thắng cũng lo lắng về việc quản lý, bảo tồn, phát triển đàn chim sao cho hợp lý. Ðề đạt của anh là sớm có sự đồng hành, hỗ trợ về các nguồn lực, để vườn cò Tư Sự thật sự là miền đất lành bền vững cho cuộc sống của các loài chim. Trước mắt, anh Thắng cũng đang liên hệ để các chuyên gia về giúp định danh một số loài chim mới mà anh cũng chưa rõ tên gọi.
Với cách làm du lịch “thuận thiên”, vườn cò Tư Sự ngày càng vang xa tiếng thơm, trở thành một địa điểm trải nghiệm không thể bỏ qua khi về Cà Mau. Sự hài hoà giữa gìn giữ, bảo tồn và khai thác giá trị du lịch đã giúp nơi đây có hướng đi bền vững, nói như anh Thắng là làm du lịch theo kiểu chậm mà chắc, mà giữ được cái hồn vía của xứ Cà Mau. Ðó cũng là gợi ý, là hướng đi mà những người làm du lịch Cà Mau cần nghiêm túc tính toán, cân nhắc./.
Phạm Hải Nguyên