Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng từ đầu tháng 5 cho đến giữa tháng 7 thời điểm đầu mùa mưa năm 2009, trên địa bàn tỉnh có đến hơn 150 ha rừng phòng hộ thuộc diện giao khoán bị chặt phá trắng. Nơi có diện tích rừng bị phá nhiều nhất là vùng tứ giác Long Xuyên thuộc địa bàn 2 huyện Kiên Lương, Hòn Đất.
Tại đây có gần 100 ha rừng tràm trung bình từ 5 đến 7 năm tuổi bị phá; phần diện tích rừng bị phá còn lại là rừng đước, rừng mắm của tuyến hành lang ven biển thuộc địa bàn 2 huyện An Biên và An Minh. Không chỉ có người dân phá rừng, mà tại một số địa phương điển hình như xã Đông Hưng B, Vân Khánh (huyện An Minh) xã Bình Giang, Bình Sơn (huyện Hòn Đất) xã Hòa Điền (huyện Kiên Lương) còn có tình trạng một số cán bộ tại chỗ tiếp tay bao che cho nạn phá rừng.
Sở dĩ một bộ phận nông dân vi phạm hợp đồng tự tiện chặt phá rừng là để lấy đất chuyển mục đích sang trồng lúa và nuôi tôm công nghiệp. Ước tính trong vòng 3 năm trở lại đây mỗi năm có ít nhất từ 500 đến 600 ha rừng bị mất trắng, khiến cho mọi nỗ lực trồng rừng đều không thể bù đắp nổi. Điều đó cũng đồng nghĩa với vấn nạn ô nhiễm môi trường, lũ lụt hạn hán thời gian gần đây ngày càng gia tăng, đồng thờ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, du lịch của đảo Phú Quốc.