Việc triển khai Quy hoạch tỉnh chính là cơ hội để Hà Giang đánh giá, sắp xếp lại không gian phát triển, tận dụng cơ hội mới để tạo ra tính đột phá trong phát triển. Đồng thời, xác định rõ ràng hơn không gian, tầm nhìn, động lực, giá trị mới, đặc biệt tập trung làm tốt “4 giữ” (giữ đất, giữ rừng, giữ dân, giữ các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số) trong quá trình phát triển bền vững của địa phương.
Là cửa ngõ giao thương quốc tế, cầu nối giữa tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc với miền Bắc Việt Nam và hành lang biển Đông, giữa các nước ASEAN và Đông Bắc Á, Hà Giang là địa bàn chiến lược về đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Với vị thế địa chính trị quan trọng như vậy, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc triển khai Quy hoạch tỉnh chính là cơ hội để Hà Giang đánh giá, sắp xếp lại không gian phát triển, tận dụng cơ hội mới để tạo ra tính đột phá trong phát triển. Đồng thời với việc triển khai Quy hoạch, Hà Giang sẽ xác định rõ ràng hơn không gian, tầm nhìn, động lực, giá trị mới, đặc biệt tập trung làm tốt “4 giữ” (giữ đất, giữ rừng, giữ dân, giữ các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số) trong quá trình phát triển bền vững của địa phương.
Thông tin trên được nêu tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra chiều 14/2, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hội nghị do Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì cùng các thành viên, ủy viên của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh tham gia.
Tham dự Hội nghị còn có: đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và các đồng chí Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Hà Giang.
Đồng chí Đặng Quốc Khánh - Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: HNV)
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nhận định: Quy hoạch tỉnh Hà Giang là một nội dung rất quan trọng của tỉnh, là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững biên giới hòa bình hữu nghị, hội nhập, đối ngoại phát triển; khơi dậy, xác định rõ tiềm năng lợi thế về con người, về mảnh đất nơi cực Bắc của Tổ quốc với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, nhiều bản sắc văn hóa truyền thống có giá trị trong phát triển du lịch; với khí hậu và thổ nhưỡng riêng có để sản xuất sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển, là tiền đề để Hà Giang thực hiện mục tiêu từ một tỉnh còn nhiều khó khăn chậm phát triển từng bước trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Báo cáo tóm tắt Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đặc biệt nhấn mạnh tới mục tiêu “Phát triển xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện” với phương châm “Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá”.
Thay mặt cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định, đánh giá về quy hoạch tỉnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch Đinh Trọng Thắng nhận xét, quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lập theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch, nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022.
Một số nội dung cơ bản trong Quy hoạch tỉnh Hà Giang (Ảnh chụp màn hình tài liệu trình chiếu tại Hội nghị)
Hầu hết ý kiến phát biểu của đại diện các bộ, ngành và chuyên gia kinh tế tại Hội nghị đều chung ý kiến rằng, quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới, phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030; từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Hà Giang trong thời kỳ quy hoạch. Một số nội dung trọng tâm, nổi bật của quy hoạch, đó là:
Thứ nhất, Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm phát triển theo hướng xanh và bền vững, trên cơ sở phát huy nội lực của tỉnh cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.
Tăng cường đẩy mạnh liên kết phát triển các tiểu vùng và tăng cường mở cửa, hội nhập; tận dụng tốt nhất cơ hội, thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực để tạo ra đột phá, lợi thế so sánh. Chuyển dịch mô hình kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo lợi thế so sánh cũng như việc tận dụng tối đa công nghệ số để tiếp cận, kết nối giữa các thị trường trong nước và quốc tế.
Tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện sinh kế cho người dân và an sinh xã hội, y tế; giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong đồng bào dân tộc của tỉnh, thúc đẩy giảm nghèo; đẩy mạnh tiến bộ và công bằng xã hội; bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa và cách mạng; coi trọng phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, đời sống và kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, các vùng khó khăn và chậm phát triển.
Thứ hai, Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2003, tầm nhìn đến năm 2050 với một số đột phá, nhiệm vụ trọng tâm: Ưu tiên phát triển 06 cụm ngành, lĩnh vực quan trọng; tập trung vào 04 trụ cột tăng trưởng (Hạ tầng giao thông và hạ tầng số; du lịch sinh thái và đẳng cấp; hình thành chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; đô thị bản sắc và hiện đại); tập trung 03 khâu đột phá: Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, sân bay…), hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng số. Ưu tiên nguồn lực để xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang kết nối đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, quy mô quy hoạch 4 làn xe; xây dựng tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với Hà Giang (đến địa phận huyện Bắc Quang), quy mô quy hoạch 4 làn xe. Phát triển du lịch bản sắc, đẳng cấp; phát triển nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao sản xuất theo chuỗi giá trị. Tạo sinh kế, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Song song là 3 nhiệm vụ trọng tâm: (1)- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cụ thể là nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và quy mô đào tạo các cấp từ phổ thông đến dạy nghề nhằm đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Tăng cường đào tạo nghề cho người lao động trong các ngành, lĩnh vực chủ lực của tỉnh. (2)- Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số với ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là tiền đề quan trọng để Hà Giang hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. (3)- Hoàn thiện các cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh tạo động lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2003, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng không gian phát triển kinh tế - xã hội: Xác định 04 cực phát triển, tăng trưởng (Thành phố Hà giang và huyện Vị Xuyên - phát triển đô thị, kinh tế biên mậu, dịch vụ; Cao nguyên đá Đồng Văn - phát triển du lịch; huyện Bắc Quang và huyện Quang Bình - phát triển công nghiệp, nông lâm nghiệp; huyện Hoàng Su Phì và huyện Xín Mần - phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch) và 04 trục động lực tăng trưởng gồm: Trục động lực kinh tế đô thị (cấp tỉnh) - thương mại, dịch vụ - cửa khẩu quốc tế - du lịch; Trục động lực kinh tế biên mậu - du lịch - đô thị (cấp huyện); Trục động lực kinh tế đô thị - dịch vụ - công nghiệp; Trục động lực kinh tế du lịch - dịch vụ: Liên kết phát triển các khu, cụm, điểm du lịch và các đô thị trung tâm tăng trưởng khu vực phía Đông tỉnh).
Trong khuôn khổ Hội nghị, Hội đồng thẩm định đã cho ý kiến tham gia và trên cơ sở đó, UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo Cơ quan lập quy hoạch tỉnh tập trung nghiên cứu tiếp thu, giải trình hợp lý và hoàn thiện Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định./.
Lê Anh