Châu Âu phát triển năng lượng xanh

Cập nhật: 06/08/2009
Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), 50% điện năng toàn cầu sẽ phải được sản xuất từ nguồn năng lượng sạch, mới đạt mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải C02 vào năm 2050. Tính đến đầu năm 2009, các mục tiêu chính sách năng lượng tái tạo đã được 73 nước đăng ký với Chương trình Môi trường LHQ.

Những ngày qua, Liên hiệp châu Âu (EU) và các nước thành viên liên tiếp ký kết và tiến hành các dự án phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường, giảm thiểu lượng khí thải CO2, ngay trước khi Hội nghị cấp cao LHQ về biến đổi khí hậu diễn ra cuối năm nay tại Thủ đô Copenhagen của Ðan Mạch.

EU khởi động dự án phát triển kinh tế xanh giai đoạn 2010-2013, với tổng kinh phí trị giá 3,2 tỷ euro, thông qua việc áp dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường. Dự án tập trung vào ba lĩnh vực công nghiệp sản xuất, xe hơi và xây dựng, hướng tới áp dụng công nghệ sạch trong sản xuất, xây dựng và nghiên cứu sản xuất các loại "xe hơi xanh", với mục tiêu giảm 30% khí thải C02 trong thời gian tới. Chính phủ Anh vừa giới thiệu một dự án tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm kết hợp bảo vệ môi trường, từ nay đến năm 2020. Theo thông báo của Chính phủ Anh, dự án này giúp Anh phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, với mục tiêu cắt giảm 34% khí C02 vào năm 2020 so với mức của năm 1990. Dự án còn tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm trong lĩnh vực "kinh tế xanh" vào năm 2020, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức cao 7,6%.

Trong khi đó, một dự án sản xuất điện từ năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất thế giới tại sa mạc Sahara đã được 12 tập đoàn lớn của châu Âu như ABB Engineering của Thụy Ðiển, Siemens, Deutsche Bank của Ðức, Abengoa Solar của Tây Ban Nha... ký kết. Dự án mang tên Sáng kiến công nghiệp DESERTEC (DII) có tổng vốn đầu tư 400 tỷ euro, có ưu điểm là sản xuất điện năng vô tận, giá thành rẻ và không thải ra khí CO2 ô nhiễm môi trường. Theo tính toán của các chuyên gia, nắng ở sa mạc Sahara có thể tạo ra nguồn điện năng khoảng 630 tỷ MW mỗi năm. Mục tiêu của dự án DII là 10 năm tới sẽ đưa dòng điện đầu tiên từ sa mạc Sahara hòa lưới điện các nước EU và đến năm 2050 sẽ cung cấp 15% tổng nhu cầu điện của EU. Một phần điện được sản xuất sẽ được ưu tiên dành cho việc chế biến nước biển thành nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân và hệ thống tưới tiêu nông nghiệp của các nước trong khu vực. Những tấm pin khổng lồ được lắp đặt tại sa mạc Sahara sẽ thu năng lượng mặt trời để đun nóng một loại dầu đặc biệt và dầu ở nhiệt độ cao sẽ chuyển hóa nước thành hơi nước chạy turbin phát điện. Sau đó, điện năng thu được sẽ được truyền tải về châu Âu qua hệ thống dây cáp ngầm dưới biển. Trong giai đoạn đầu của dự án, các tấm pin hấp thụ năng lượng mặt trời sẽ được triển khai lắp đặt tại Morocco, A-rập Xê-út và Jordan.

Dự án được Thủ tướng Ðức A.Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) J.Barroso đánh giá cao, nhưng cũng vấp phải sự hoài nghi của không ít người về hiệu quả kinh tế. Họ cho rằng, kinh phí đầu tư cho dự án là quá lớn, nhất là trong các hạng mục như sản xuất các tấm pin quang học khổng lồ, lắp các tấm pin này trên diện rộng, đường tải điện ngầm dưới biển nối châu Phi và Trung Ðông với Tây-Bắc Âu. Trong ba năm tới, khi dự án chính thức được triển khai, các kỹ sư châu Âu sẽ phải chọn lựa các địa điểm thích hợp để lắp đặt những tấm pin, hệ thống tích tụ điện, chuyển hóa điện từ nguồn điện một chiều thành xoay chiều.

 

Nguồn: ND