Thị xã Đức Phổ - đô thị phía nam của tỉnh Quảng Ngãi đang đứng trước nhiều cơ hội để bứt phá, khi Di tích Văn hóa Sa Huỳnh (VHSH) được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Với giá trị mang tầm quốc tế, VHSH được kỳ vọng sẽ trở thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển của thị xã trong thời gian tới.
Những giá trị đặc sắc
Nằm dọc theo biển Sa Huỳnh, làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh như một điểm sáng giữa không gian văn hóa cổ xưa với tất cả niềm kiêu hãnh, tự hào về một ngôi làng đã từng là nơi cư ngụ của người Chămpa từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV - lớp người kế tiếp cư dân cổ Sa Huỳnh. Làng Gò Cỏ chỉ có hơn 80 hộ dân, nằm trên đồi núi đá ven biển có diện tích khoảng 105ha. Không chỉ vậy, làng còn là không gian sinh sống của người Chămpa, sau cùng người Việt đến sinh cơ, lập nghiệp. Dấu ấn để lại vẫn còn hiện hữu, gồm: 12 giếng cổ, miếu mạo của người Chăm, nền đá dựng làng, tường rào đá bao quanh làng của người Sa Huỳnh cổ để ngăn thú dữ, giữ đất giữ làng. Ngoài ra, qua canh tác, sinh sống, người làng Gò Cỏ làm phát lộ thêm nhiều bình gốm tùy táng của người Chăm cổ. Cho đến ngày nay, người dân tại khu vực làng Gò Cỏ vẫn rất coi trọng và gìn giữ những di tích này. Đặc biệt, người dân đã biết làm du lịch cộng đồng với những gì thiên nhiên, tổ tiên để lại cùng với sự phát huy nội lực của cả cộng đồng.
Cửa biển Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Trung
Từ một làng quê ít người biết, thì nay, làng Gò Cỏ đã có tên trên bản đồ du lịch, được du khách trong và ngoài nước biết đến. Bà Huỳnh Thị Thương, người dân ở làng Gò Cỏ cho hay, từ khi làm du lịch, khách đến với Gò Cỏ ngày càng đông. Người dân đoàn kết, cùng nhau buôn bán, tổ chức các dịch vụ. Đó là tiền đề để xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp.
“Tháng 12/2020, làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ được công nhận là sản phẩm du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao đầu tiên của tỉnh. Hiện nay, hợp tác xã đang hoàn tất hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận làng Gò Cỏ là điểm du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao; đồng thời, đặt mục tiêu xây dựng Gò Cỏ trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước”, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ Nguyễn Thị Diễm Kiều cho biết.
Những ngày tháng 3, nhiều đoàn du khách đến tham quan, tìm hiểu về nền văn hóa xưa tại Nhà trưng bày VHSH, nằm trong Khu di tích VHSH, ở tổ dân phố Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh.
Đây là địa điểm tham quan, tìm hiểu thú vị về nền văn minh tồn tại 2.000 - 3.000 năm trước, với 700 hiện vật, hình ảnh, tài liệu có giá trị về nền VHSH được trưng bày. Đó là, mộ chum Sa Huỳnh với nhiều kiểu dáng như hình trụ, hình trứng, hình cầu cùng nhiều đồ tùy táng; chuỗi hạt trang sức bằng đá mã não cách đây 2.000 năm được khai quật vào năm 2009, tại thôn Dương Quang, xã Đức Thắng (Mộ Đức); chuỗi vòng vỏ ốc được khai quật tại đảo Lý Sơn cách đây 2.500 năm... Những hiện vật về nguyên liệu chế tác đồ trang sức, nhất là đồ trang sức bằng đá, bằng sắt, vỏ ốc, xương động vật... khiến du khách tham quan rất thích thú. Chị Lê Ra, ở phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ) cho hay, các đồ trang sức cách đây đã 2.500 năm nhưng chế tác rất tinh xảo. Người xưa đã tận dụng những gì thiên nhiên ban tặng để làm đồ trang sức, cho thấy rõ sự đa dạng của VHSH tại Quảng Ngãi.
Trong tháng 3 này, Nhà trưng bày VHSH đã được bổ sung một số hiện vật vừa chỉnh lý xong ở dự án Khai quật khảo cổ tại khu vực mặt bằng xây dựng công trình hồ chứa nước Nước Trong. Trong đó có bộ sưu tập các loại bàn mài phong phú, riêng có, đặc sắc của Quảng Ngãi. Năm 2023, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cũng có kế hoạch trưng bày bổ sung 30 hiện vật tư liệu hình ảnh tại Nhà trưng bày VHSH.
Tận dụng cơ hội để thu hút đầu tư
Ngoài tuyến đường du lịch vào Khu di tích VHSH đã được tỉnh đầu tư, TX.Đức Phổ cũng đang đề xuất tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng phía bắc khu vực đầm Ân Khê. Qua đó, kết nối được các tuyến đường xung quanh đầm, mở rộng hướng để các nhà đầu tư thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, khảo sát và phục vụ người dân tham quan, du lịch. Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ Đỗ Tâm Hiển cho biết, phát triển du lịch - dịch vụ được xác định là nhiệm vụ đột phá của thị xã trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt VHSH không chỉ là cơ hội để thị xã quảng bá hình ảnh của quê hương, về nền VHSH, mà còn là dịp để địa phương xúc tiến thu hút đầu tư.
Để hiện thực hóa nhiệm vụ đột phá trên, trong chương trình công tác hằng năm, TX.Đức Phổ đều có các hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút các nhà đầu tư. Đặc biệt là, quảng bá giá trị, vẻ đẹp xung quanh Khu di tích VHSH và đầm An Khê... đến các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân. Thị xã Đức Phổ cũng đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông trong và ngoài tỉnh tuyên truyền về các hoạt động, chương trình văn hóa, du lịch của địa phương; trong đó có một số địa điểm, các tour du lịch được tổ chức để chào mừng Lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt VHSH. Cùng với đó, thị xã cũng đã bố trí ngân sách trên 2 tỷ đổng để thực hiện một số dự án như chỉnh trang đường vào làng Gò Cỏ, gò Ma Vương...
“Để phát huy giá trị và tiềm năng của Di tích Quốc gia đặc biệt VHSH, TX.Đức Phổ đã đề nghị UBND tỉnh, Sở VHTTDL quy hoạch khu di tích cấp quốc gia đặc biệt này; đồng thời kiến nghị tỉnh đề xuất Bộ VHTTDL hỗ trợ để địa phương có thể khai thác di tích hiệu quả. Từ đó có giải pháp thu hút, đầu tư các dự án du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng...”, Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ Đỗ Tâm Hiển nhấn mạnh.
Thanh Thuận