Vườn ngự uyển Thiệu Phương, một trong mười cảnh đẹp nhất trong quần thể di tích Cố đô Huế, sẽ được tái hiện và hoàn thành trước tháng 6/2010, để phục vụ du khách tham quan, thưởng thức trong chương trình “Đêm hoàng cung” - Festival Huế 2010.
Ngày 5/8/2009, ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, lần đầu tiên Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ tiến hành tái hiện khu vườn ngự uyển Thiệu Phương nằm trong số khoảng 30 vườn ngự uyển ở Cố đô Huế để đưa vào phục vụ du khách trong chương trình Đêm hoàng cung tại Fesstival Huế 2010.
Theo nhà nghiên cứu Huế Phan Thanh Hải, dưới thời Nguyễn, vườn Thiệu Phương được xem là một trong những ngự uyển tiêu biểu nhất trong Hoàng cung (cung trung thập cảnh), vườn được vua Thiệu Trị xếp làm thắng cảnh thứ 2 trong “Thần Kinh nhị thập cảnh (20 thắng cảnh đất Thần Kinh”. Tuy nhiên, từ thời Tự Ðức trở về sau thì ít có tư liệu đề cập đến tình trạng khu vườn này. Ðến thờì Ðồng Khánh thì vườn Thiệu Phương bị triệt giải hoàn toàn.
Theo tư liệu để lại, khu đất vườn Thiệu Phương xưa nằm ở phía Bắc Tử Cấm thành, trước mặt Thái Bình lâu, cạnh Duyệt Thị Đường, rộng khoảng 8.000 m2, nay sẽ được tái hiện lại kiến trúc của 4 ngôi nhà gỗ truyền thống nối với nhau bằng lối đi lát gạch hình chữ "vạn", hai bên là hàng rào cây xanh tỉa tót phẳng phiu. Bao quanh là không gian vườn với một lạch nước chảy vắt ngang cùng hệ thống mặt nước, non bộ, bonsai, hoa cảnh và cây ăn quả...
Theo định hướng ban đầu, vườn Thiệu Phương sau khi được tái hiện sẽ trở thành một phần trong chương trình "Khám phá bí mật vườn thượng uyển" của Ðêm hoàng cung phục vụ khách du lịch. Vườn Thiệu Phương sau khi hoàn thành sẽ góp phần tôn tạo cảnh quan, thu hẹp không gian hoang phế của khu vực Hoàng thành đồng thời tạo nhiều dấu ấn cho khách du lịch đến tham quan Đại Nội.
Thông tin về Vườn ngự uyển Thiệu Phương
Thiệu Phương viên là một trong 4 ngự uyển trong Hoàng thành, gồm Thiệu Phương Viên, Ngự Viên, Cơ Hạ Viên, Doanh Châu. Vườn được xây dựng từ năm 1828, thời Minh Mạng, ở phía đông, bên trong cửa Hưng Khánh, thuộc Tử Cấm Thành. Phía nam vườn là khu Duyệt Thị Ðường; phía bắc - qua hồ Ngọc Dịch - là Ngự Viên; phía tây là Thanh Hạ Thư Lâu (sau là Thái Bình Lâu) và phía đông là bờ tường phía đông của Tử Cấm thành.
Quanh vườn có tường gạch bao bọc, cửa chính mở về phía nam. Vườn nổi tiếng với kiểu cấu trúc “vạn tự hồi lang", tức có hồi lang hình chữ VẠN nằm ở trung tâm chạy ra 4 phía. Tại 4 góc của hồi lang này có 4 công trình kiến trúc nhỏ, gồm 2 đường và 2 hiên. Nhà ở góc tây nam gọi là Di Nhiên Ðường, quay mặt về hướng nam, bên phải của nhà này là cửa Di Nhiên, xây mặt hướng đông.
Hiên ở góc đông nam gọi là Vĩnh Phương Hiên, mặt quay về hướng đông, bên tây của hiên này có chiếc hồ nhỏ, gọi là Tiểu Hữu Thiên, bên phải hiên là cửa vườn Thiệu Phương, hướng nam. Nhà ở góc đông bắc mang tên Cẩm Xuân Ðường, quay mặt về hướng bắc, trước nhà có cửa phường Cẩm Xuân, bên phải nhà là cửa Cẩm Xuân, đều xây về hướng bắc. Phía đông Cẩm Xuân Ðường, thuộc về trường lang men theo tường Cung thành có cửa Cấm Uyển, Hiên ở góc tây bắc có tên là Hàm Xuân Hiên, mặt quay về hướng tây.
Trong vườn, ở phía tây của Vạn Tự Hồi Lang (cũng là phía trước điện Hoàng Phúc) có hai lạch nước đều mang tên là Ngự Câu, thông với hồ Ngọc Dịch ở phía bắc bằng đường cống. Trên bờ phía đông của lạch có đắp một hòn núi nhỏ, tên gọi là Trích Thúy Sơn.