Kiến trúc độc đáo nhà dài truyền thống của người Ê Đê

Cập nhật: 05/04/2023
Đồng bào Ê Đê sinh sống tập trung chủ yếu trên cao nguyên Đắk Lắk, ngoài ra còn có một số nhóm người Ê Đê định cư ở các địa bàn thuộc tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa… Từ thời xa xưa, người Ê Đê đã làm những ngôi nhà sàn dài để ở và tránh thú dữ. Nhà dài truyền thống Ê Đê đã đi vào sử thi, truyện cổ, âm nhạc, hội họa như những trang huyền thoại.

Nhà dài truyền thống người Ê Đê được tỉnh Đắk Lắk đầu tư xây dựng nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc trong khuôn viên di tích Biệt điện Bảo Đại, phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, nhà dài truyền thống của người Ê Đê là một phức hợp không gian kiến trúc độc đáo, thể hiện nét đặc trưng trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng-tâm linh, một công trình sáng tạo văn hóa vật chất ấn tượng. Nhà dài là nơi chung sống của đại gia đình theo chế độ mẫu hệ.

Ngôi nhà thường xuyên được nối dài mỗi khi một thành viên nữ trong đại gia đình lấy chồng. Người con trai lấy vợ sẽ đến ở nhà vợ và không có quyền hành gì. Thông thường, ngôi nhà dài của đồng bào dân tộc Ê Đê có từ bảy đến chín cặp vợ chồng chung sống.

Bố cục nhà dài truyền thống của người Ê Đê chia làm hai phần: nửa phía trước gọi là "Gah" chứa các vật dụng như ghế chủ, ghế khách, bếp chủ, ghế dài Kpan, cồng chiêng và là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung trong gia đình. Nửa phía sau là "Ôk" là chỗ ở của các đôi vợ chồng, đặt bếp nấu ăn chung.

Phía trước cửa nhà của người Ê Đê có hai cầu thang, một dành cho khách và một dành cho người nhà khi lên xuống, mỗi cầu thang có khoảng 5-7 bậc, làm bằng gỗ quý, được đẽo bằng tay và phía đầu cầu thang nơi tiếp giáp với hiên nhà được tạc hình mặt trăng lưỡi liềm, dưới hình lưỡi liềm được tạc hai bầu vú căng tròn, tượng trưng cho uy quyền của người phụ nữ trong gia đình. Dưới mái nhà dài là không gian diễn xướng cồng chiêng, không gian lễ hội, hát kể sử thi, dệt thổ cẩm, sinh hoạt cộng đồng...

Trong ngôi nhà dài truyền thống, các nét điêu khắc, trang trí, tạo hình đều phỏng theo mô típ chế độ mẫu hệ, tín ngưỡng phồn thực. Không gian nhà dài bố trí ghế Kpan ngồi đánh chiêng, bếp lửa sinh hoạt, các sản vật thể hiện sự giàu có của gia chủ như: chiêng, ché, sừng trâu, trống, rượu cần…

Buôn Akŏ Dhŏng, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột là buôn còn nhiều nhà dài truyền thống của người Ê Đê và cũng là buôn làng giàu có bậc nhất Tây Nguyên hiện nay.

Già làng buôn Akŏ Dhŏng Ama Jeny cho biết, nguyên vật liệu làm nên ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê chủ yếu bằng gỗ, tre, nứa, mái tranh. Kết cấu của nhà là cột kèo bằng gỗ tốt có sức chống chịu sự khắc nghiệt của thời tiết. Nhà được thưng vách và lót sàn bằng phên nứa, mái lợp cỏ tranh, đỉnh mái cách sàn nhà khoảng 4m-5m, lòng nhà rộng khoảng 4,5m-5,5m, ngôi nhà nằm theo trục bắc-nam.

Với sự đô thị hóa diễn ra nhanh chóng hiện nay làm cuộc sống, không gian buôn làng có nhiều thay đổi lớn, hình dáng ngôi nhà dài hiện nay cũng có những thay đổi khá nhiều cả chiều rộng, chiều dài, cầu thang và cách bài trí trong nhà cũng không còn giữ được nét truyền thống như xưa nữa.

Già làng Ama Jeny tâm tư: "Những ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê dần bị mai một thì việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của các buôn làng sẽ bị ảnh hưởng theo. Các thế hệ mai sau sẽ không thể hình dung ra được ông bà mình ngày trước sống, sinh hoạt như thế nào".

Điều đáng mừng là những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Nhà nước, ở nhiều buôn làng tại tỉnh Đắk Lắk, người dân cũng đã ý thức được việc bảo tồn nhà dài gắn với các lễ hội, văn hóa truyền thống khác. Nhà dài hiện nay vừa là nơi sinh hoạt của gia đình, vừa là nơi tham quan và tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Bài và ảnh: Nguyễn Công Lý

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 05/04/2023