Những ngày hè nóng bức, khi Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng đang phải đối phó với thời tiết ngột ngạt thì những con đường của Huế vẫn mang lại cảm giác dễ chịu cho mọi người bởi những bóng cây xanh trùm mát rượi.
Nếu như sông Hương được ví như gương mặt của Huế thì cây xanh chính là dáng, là da cho cơ thể một thành phố xanh, sạch, đẹp.
Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Cẩm, cựu giảng viên trường đại học Nông Lâm Huế, người đã có rất nhiều năm nghiên cứu về hệ thống cây xanh của thành phố này đã có lần tâm sự “Hình như thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất 'nắng lửa, mưa dầu' này một khả năng dung nạp kỳ diệu nhiều loài thực vật khác nhau, có cả những loài thực vật du nhập từ nhiều vùng của châu Phi, châu Mỹ, châu Đại Dương, châu Âu”.
Huế là thành phố của cây xanh với sự hài hòa của những con đường rợp bóng cây hay những khu vườn quanh năm xanh tươi hoa trái.
Theo thống kê thì Huế có tới 175 loài thuộc 45 họ thực vật khác nhau, với đủ các gam màu cơ bản và các kiểu dáng tự nhiên như màu xanh (từ xanh thẫm đến xanh nhạt), màu vàng, màu đỏ, màu tím…
Ông Đỗ Xuân Cẩm đã có cái nhìn rất sâu sắc về sự phát triển của hệ thống cây xanh đô thị Huế: “Cho dù phải chịu sự dày vò của thiên tai hàng năm, hệ thống cây xanh đô thị Huế vẫn vươn lên tìm sức sống. Nhiều cá thể cây xanh bị mưa gió xô đẩy rạp mình, và hầu như đôi khi con người cũng quên lãng hoặc bất lực, nhưng theo năm tháng nó lại vặn mình vươn dậy. Từ đó, trên nhiều hè phố có những cây xanh vặn vẹo nhiều chiều, tưởng chừng như có bàn tay con người tạo dáng thế theo dạng cây tiểu cảnh trong bồn hoa, chậu cảnh".
Ở Huế đã có những con đường mà người ta đã quên đi tên chính thức của nó và thay vào đó là tên của những loài cây đã hiện hữu tại đó suốt bao năm tháng như đường Phượng bay, hàng Me, hàng Đoác…
Cùng với những cây xanh chủ thể như phượng vỹ, long não, xà cừ, bằng lăng thì từ lâu ở Huế đã xuất hiện những cây xanh cá biệt có xuất xứ từ nước ngoài mà ở Việt Nam chỉ có thể tìm thấy ở Huế như bao báp, thốt nốt, chà là Canary hay mới đây nhất là những cây phượng vỹ màu vàng ở dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn.
Loài phượng này thuộc họ đậu Fabaceae như phượng vĩ, có tên khoa học là Delonix regia được trồng tại chùa Huyền Không Hạ (xã Hương Hồ, huyện Hương Trà). Hoa thường nở vào mùa hè như phượng đỏ nhưng có màu vàng đậm (khác với cây điệp vàng). Năm 2001, trụ trì Pháp Tông ở chùa đã xin hạt giống này từ Myanmar về, qua thời gian phượng vàng phát triển tốt và thích nghi với điều kiện khí hậu khô nóng.
Công ty Công viên cây xanh Thừa Thiên-Huế cho biết đã nhân giống thử nghiệm 400 cây và đã trồng ở công viên dọc bờ sông Hương, công viên 3-2 khoảng 70 cây. Phượng vĩ màu vàng phát triển tốt và cho hoa rất đẹp.
Được biết sắp tới, công ty công viên cây xanh Thừa Thiên-Huế sẽ tiếp tục trồng phượng vĩ màu vàng ở một số tuyến đường của Huế để làm phong phú thêm cho sắc màu cỏ hoa xứ Huế. Công ty cũng đã có ý tưởng sẽ trồng một loài cây đặc trưng trên một con đường nào đó mới mở của Huế như đường cây Bao báp, đường cây Hoàng Yến hay Phượng vàng... Trở ngại lớn nhất hiện nay để thực hiện ý tưởng này là quy hoạch lề đường hẹp không đủ không gian để cây phát triển…
Cùng với hệ thống văn hóa vật thể và phi vật thể, cây xanh Huế đã là một thực thể không thể thiếu được của văn hoá Huế. Nhưng ngoài một số con đường mà hệ thống cây xanh đã được quy họach và chăm sóc rất hợp lý và đẹp mắt thì ở Huế vẫn còn những con đường mà cây xanh chưa đóng vai trò chủ đạo.
Chẳng hạn đường Hùng Vương, cửa ngõ phía nam của thành phố Huế nơi tập trung nhiều công sở, trường học, khách sạn, siêu thị... vẫn tồn tại một dải ngăn cách bằng bêtông xù xì. Giá như thay vào đó là những hàng cây xanh mềm mại thì chắc chắn đường Hùng Vương sẽ trở nên duyên dáng hơn nhiều.