Thừa Thiên Huế: Bảo tồn làng cổ Phước Tích

Cập nhật: 10/04/2023
Làng cổ Phước Tích nằm ven sông Ô Lâu thuộc thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Phong Ðiền (tỉnh Thừa Thiên Huế) hiện là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách với nhiều trải nghiệm di sản văn hóa độc đáo.

Toàn cảnh làng cổ Phước Tích. (Ảnh Lê Lộc)

Ðây được mệnh danh là một trong ba ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam, cũng là "Làng di sản cấp quốc gia" (được Nhà nước công nhận và xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2009).

Với quần thể di tích kiến trúc nhà rường cổ, di tích văn hóa Chăm-pa, văn hóa Việt cổ, nghề gốm truyền thống hơn 500 năm…, Phước Tích là ngôi làng di sản đậm nét truyền thống. Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản tại làng cổ Phước Tích đã góp phần quan trọng giữ gìn nét văn hóa truyền thống vốn có, từ đó thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm.

Phát huy giá trị di sản

Theo sử sách, làng Phước Tích được thành lập từ năm 1470 dưới thời vua Lê Thánh Tông, có diện tích khoảng 49ha. Lúc đầu, làng có tên gọi là Phúc Giang như mong muốn một vùng gần sông nước nhiều phúc lộc. Ðến thời Tây Sơn, Phúc Giang được đổi thành Hoàng Giang, để nhớ đến dòng họ khai canh lập làng. Ðến đời vua Gia Long, làng được đổi tên thành Phước Tích như mong muốn của người dân được tích lũy phúc đức cho con cháu. Với ước mong đó, các thế hệ dân làng tiếp nối truyền thống ông cha lao động sáng tạo xây dựng một làng quê tươi đẹp với những nét văn hóa cổ kính, cảnh quan kiến trúc của làng mang đậm triết lý phương Ðông với văn hóa làng nghề, dòng họ, thôn, xóm.

Ðặc biệt, hệ thống di tích, đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ và quần thể nhà rường cổ dày đặc loại "ba gian hai chái" và "một gian hai chái", với kiến trúc gỗ tinh tế, bàn ghế, tràng kỷ, tủ thờ... được chạm khắc kỹ lưỡng, hệ thống đường sá cây xanh nối liền nhau một cách tự nhiên và sinh động.

Giám đốc Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích Ðoàn Quyết Thắng cho biết, trải qua hơn 550 năm tồn tại và phát triển, làng cổ Phước Tích còn lưu giữ được những giá trị độc đáo của một ngôi làng di sản. Phước Tích hiện còn nguyên vẹn 38 ngôi nhà rường cổ, trong đó có 12 ngôi nhà thờ họ, phái; 26 nhà ở của dân. Tất cả những ngôi nhà rường này đã hơn 100 năm tuổi. Ngoài ra, hệ thống các công trình đình, chùa, miếu và các dấu tích văn hóa Chăm-pa được tô điểm bởi những hàng chè tàu thẳng tắp, xanh mướt tạo nên vẻ đẹp trong lành của ngôi làng quê Việt cổ kính. "Nét độc đáo của những ngôi nhà rường tại làng cổ Phước Tích nằm ở quần thể kiến trúc độc đáo thể hiện qua những nét chạm trổ công phu, tinh xảo với những hình ảnh tứ linh, bát bửu, mai, lan, cúc, trúc, mây cuộn… Không dừng lại ở những giá trị nghệ thuật, nhà rường còn là biểu tượng cho truyền thống của sự nối tiếp nhiều thế hệ trong gia đình, dòng họ", ông Thắng khẳng định.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phong Ðiền Nguyễn Ðình Bách cho biết, những năm qua, nhờ công tác tuyên truyền, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản được các ngành, các cấp, nhất là sự quan tâm trực tiếp từ trung ương và sự ủng hộ của đông đảo nhân dân, hệ thống di tích, các công trình đã được trùng tu, tôn tạo, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại làng cổ Phước Tích khởi sắc, đạt những thành tựu quan trọng; vấn đề bảo quản di vật, cổ vật và tài sản thuộc di tích được tăng cường.

Thực hiện đề án "Chính sách bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng" tại làng cổ Phước Tích, Ủy ban nhân dân huyện Phong Ðiền triển khai cải tạo, trùng tu được 23/25 nhà vườn được phê duyệt trong danh mục, trong đó có 13 nhà loại I và 8 nhà loại II, 2 nhà loại III với tổng số tiền hơn 15 tỷ đồng. Năm 2021, huyện tiếp tục triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật du lịch làng cổ Phước Tích với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng, gồm nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng quanh làng, hệ thống điện ngầm vào tận nhà dân, đường lát gạch, bãi đỗ xe du lịch… Nhờ đó, hoạt động đón tiếp khách du lịch có nhiều khởi sắc, công tác lữ hành có nhiều chuyển biến.

Phục hồi nghề gốm cổ

Bên cạnh những ngôi nhà rường truyền thống, những công trình thờ tự cổ kính uy nghiêm, làng cổ Phước Tích có nghề làm gốm truyền thống rất đặc sắc, được gây dựng và phát triển hơn 500 năm qua. Các sản phẩm gốm Phước Tích nổi tiếng khắp nơi, không chỉ bởi độ bền mà còn bởi không cái nào giống cái nào. Sản phẩm "độc" ở Phước Tích là lu (chum), ghè, thạp, thống, om (niêu), bùng binh (ống tiết kiệm), tu huýt (còi) và ông táo nung chín thành sành, khi nung dù không tráng men nhưng vẫn có lớp men nổi bên ngoài, không bị thấm nước. Trải qua một thời kỳ dài lịch sử, gốm Phước Tích thịnh suy theo thời gian rồi hoạt động trầm lắng hẳn.

Giờ đây, khi làng Phước Tích trở thành một điểm du lịch nổi tiếng ở Huế, một số lò gốm đã "đỏ lửa" trở lại để phục vụ khách tham quan. Sản phẩm gốm Phước Tích ngày càng cải tiến về mẫu mã và chất lượng. Các lò gốm trở thành một điểm trải nghiệm cho du khách gần xa bởi những nghệ nhân và một vài người trẻ đang ước muốn làm sống dậy nghề gốm nổi tiếng ở làng. Tuy nhiên, nghề gốm ở đây đang đứng trước nhiều khó khăn bởi sự xâm nhập ồ ạt của các mặt hàng sản xuất hàng loạt. Sản phẩm gốm Phước Tích không còn lưu thông nhiều trên thị trường, chủ yếu là sản phẩm lưu niệm, chưa phát huy được thế mạnh nổi tiếng của nghề truyền thống. Việc bảo tồn, phát huy giá trị sản phẩm gốm Phước Tích gắn với phát triển du lịch luôn được đặt ra với những trăn trở sao cho người dân sống được với nghề, giữ được nghề.

Theo Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích, hiện làng đã triển khai 12 dịch vụ tham quan trải nghiệm, như: tham quan nhà vườn, homestay, trải nghiệm làm bánh, làm gốm, đạp xe, đi thuyền trên sông Ô Lâu, thả đèn hoa đăng và tham quan du lịch... Làng Phước Tích còn có 11 nhà vườn tham gia dịch vụ nhà vườn cổ, trong đó có 4 cơ sở lưu trú homestay. Năm 2022 vừa qua, làng cổ đã đón gần 41.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các dịch vụ. Riêng tại Lễ hội "Hương xưa làng cổ 2022" đã thu hút 24.700 du khách thập phương đến với lễ hội. Một điểm đến không thể bỏ qua tại Phước Tích là tham quan dấu tích của lò gốm cổ và trải nghiệm dịch vụ làm gốm tại cơ sở của nghệ nhân Lương Thanh Hiền.

Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trước đây có nhiều dự án, đề tài khoa học với sự tham gia của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, các sở, ngành liên quan của Thừa Thiên Huế, Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Ðại học Nghệ thuật Huế... nhằm nỗ lực tìm giải pháp bảo tồn, phát huy làng nghề gốm Phước Tích. Tuy nhiên, nghề thủ công truyền thống gốm Phước Tích vẫn chưa định hình được dòng sản phẩm đặc trưng với chất liệu, mẫu mã mang bản sắc riêng có, cho nên chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường và nghề gốm vẫn chưa trở thành "điểm nhấn" để phát triển du lịch bền vững tại làng cổ này.

Mới đây, Cục Di sản văn hóa phối hợp Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế tổ chức hội thảo khoa học "Nghiên cứu, phục hồi nghề thủ công truyền thống gốm Phước Tích gắn với phát triển du lịch bền vững" tại làng cổ Phước Tích. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch đã cùng trao đổi, tìm hướng phục hồi nghề gốm gắn với du lịch bền vững. Theo TS Trần Ðình Hằng, Giám đốc Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, hiện nay gốm Phước Tích gần như chỉ dừng lại ở sản phẩm lưu niệm, trang trí, chưa thể vươn ra thị trường để sử dụng như đồ gia dụng của một số làng nghề gốm truyền thống trong nước. Ðịa phương cần có những chính sách, giải pháp thiết thực để sản phẩm của gốm Phước Tích trở thành mặt hàng phổ thông, du khách và người dân đều dễ mua, dễ sử dụng.

PGS, TS Ðặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, muốn phục hồi làm sống lại một làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một đòi hỏi phải có một cơ chế đặc thù và một nhận thức mới về di sản văn hóa làng nghề thủ công truyền thống. "Muốn cho di sản văn hóa làng cổ Phước Tích có được vị trí vững chắc trong đời sống xã hội đương đại, chúng ta cần có cơ chế, chính sách và kế hoạch hành động nhằm huy động sức mạnh của cộng đồng cư dân Phước Tích với tư cách là chủ thể sáng tạo, chủ sở hữu, người thực hành và thụ hưởng, đồng thời cũng là người trực tiếp tham gia bảo tồn di sản văn hóa làng cổ nói chung và nghề gốm nói riêng" PGS, TS Ðặng Văn Bài nhấn mạnh.

Nguyễn Công Hậu

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 08/04/2023