Mô hình du lịch sinh thái ngoại thành, nông thôn ở Bình Thuận trong những năm gần đây đã “chớm nở”. Đã có những chủ nhân vườn tược chịu khó đầu tư tạo nét khác biệt ở khu vườn rộng rãi nằm ven thành thị, hay ở khu vực nông thôn yên tĩnh để thu hút du khách, nhất là giới trẻ.
Với lợi thế sẵn có về giao thông, các điểm du lịch văn hóa, thiên nhiên, một số chủ nhà hàng, trang trại nằm dọc theo tuyến đường thênh thang Võ Nguyên Giáp dẫn ra Mũi Né đã đầu tư mở rộng điểm du lịch sinh thái. Khách vừa thưởng thức đặc sản vừa tham quan cảnh vật tại chỗ. “Ba Tường Farm” nằm phía ngoài suối Tiên, Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết là điểm như thế. Anh Nguyễn Văn Tánh, chủ Farm chia sẻ: “Những năm về trước tôi cùng anh em thân thuộc chỉ mở quán Ba Tường phục vụ đặc sản dông cho thực khách. Cuối tuần khách đông, nhu cầu vui chơi giải trí đa dạng, trong khi vườn nhà rộng, thoáng mát, chúng tôi đã nghĩ đến đầu tư cải tạo để khách có nhu cầu thư giãn, vui chơi, chụp ảnh sinh thái vườn quê”. Nói là làm, Nguyễn Văn Tánh cùng mấy anh em của mình góp vốn thêm đầu tư, cải tạo khu vườn rộng rãi, thành những điểm nhấn như hồ câu cá, cầu khỉ, xích đu, điểm trò chơi dân gian, góc vườn dừa xiêm xứ Rạng, sân chơi đùa tập thể, chòi tranh tre thoáng mát cho khách nghỉ ngơi, thưởng thức đặc sản các món dông Thiện Nghiệp, gà nướng, bồ câu, dừa xiêm. Trong vườn còn có mô hình chuồng bồ câu, khách có thể tham quan chuồng trại sạch sẽ, xem trứng, bồ câu con, cùng những chú bồ câu lai giống Thái Lan màu sắc đẹp mắt. Khách cũng được nghe chủ trại hướng dẫn cách nuôi bồ câu nhập ngoại theo mô hình sinh thái, hiệu quả kinh tế… Các mô hình dân dã này đã thu hút khá đông đảo khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, vui chơi cũng như thưởng thức các món ăn đặc sản ở đây; nhất là vào các ngày cuối tuần, dịp lễ, tết.
Học sinh Phan Thiết dã ngoại "Ba Tường Farm"
Trước đó, mô hình tham quan vườn cây ăn trái ở thôn Đa Tro, xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc), tham quan nhà vườn tại xã Đa Kai (Đức Linh), vườn trái cây Sáu Trúc, trang trại Bình An, trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam… đã được nhiều chủ vườn, trang trại triển khai, thu hút du khách ngoài tỉnh thích khám phá miệt vườn. Mô hình du lịch nông nghiệp không chỉ đem lại sinh kế cho người nông dân, góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và hỗ trợ ngược lại cho sự phát triển đa dạng, bền vững của điểm đến du lịch.
Hướng dẫn khách tham quan ở khu du lịch sinh thái
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, du lịch nông nghiệp hiện còn thiếu những sản phẩm đặc sắc, chưa kể sự trùng lặp, na ná nhau giữa các địa phương. Cùng với đó, tính liên kết giữa 3 bên: nhà quản lý, người dân và doanh nghiệp lữ hành còn yếu nên chưa thể tạo lực đẩy cho loại hình du lịch này phát triển. Những điểm hạn chế này cần được “3 bên” cùng nhau hợp tác, tháo gỡ để du lịch sinh thái ngoại thành, nông thôn thực sự lan tỏa, thúc đẩy phát triển trên tiềm năng dồi dào của Bình Thuận.
Thái Khoa