Cao nguyên Kon Hà Nừng - Gia Lai: Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 21/04/2023
Việc UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng tỉnh Gia Lai là khu dự trữ sinh quyển thế giới không những chỉ mang ý nghĩa về mặt bảo tồn mà sẽ mở ra triển vọng để địa phương đầu tư phát triển du lịch cùng các mô hình kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh.

Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng hay Cao nguyên Kon Hà Nừng thuộc tỉnh Gia Lai có diện tích lên đến hơn 413.500 ha. Nơi đây bao gồm toàn bộ diện tích của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, một phần diện tích của 5 huyện: Chư Păh, Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ, Kbang và thị trấn An Khê. 3 vùng chức năng của Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng bao gồm: 2 vùng lõi là Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. 

Cao nguyên Kon Hà Nừng có tầm quan trọng trong việc bảo tồn hệ sinh thái nguyên sơ, nơi sinh sống của các loài động, thực vật quý hiếm được đưa vào Sách Đỏ tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Kon Hà Nừng cũng là khu dự trữ có diện tích rừng nhiệt đới tương đối lớn ở Tây Nguyên.  Được biết, hệ sinh thái tại hai vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng còn tương đối nguyên vẹn và có giá trị đa dạng sinh học cao, đặc trưng cho các khu rừng ở Tây Nguyên.

Ảnh: Nguyễn Thảo

Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (vùng lõi 1) có diện tích tự nhiên 41.913,78 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên tương đương với 93% tổng diện tích. Sinh cảnh của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh chủ yếu là thực vật vùng núi mà quan trọng nhất là 2.000 ha rừng hỗn giao giữa các loài cây lá rộng và lá kim. Nơi đây còn là nơi lưu giữ được một phần vô cùng trọng yếu của các sinh cảnh và cảnh quan tự nhiên ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai. Không những thế, Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng còn là một trong những nơi cuối cùng còn tồn tại một số loài có ý nghĩa quan trọng, đặc hữu của khu vực Tây Nguyên và Việt Nam nói riêng hoặc của cả thế giới nói chung như trầm hương, sao hải nam là những loài thực vật đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa trên toàn cầu. Bên cạnh đó, Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng còn có hệ thống thác nước hùng vĩ nhưng cũng đầy thơ mộng. Những thác nước nổi tiếng phải kể đến như Thác K50 hay còn gọi là Thác Hang Én, Thác Kon Lốc... 

Hệ thực vật ở đây có tính đa dạng sinh học cao, được xếp loại A tầm quan trọng quốc tế, với hàng nghìn loài. Trong đó, có nhiều loài thực vật quý hiếm, được đưa vào Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới: sao hải nam, trầm hương, lan kim tuyến, trắc, giáng hương… Hệ sinh thái động vật tại đây cũng có hàng nghìn loài. Nhiều loài nằm trong nhóm cần được bảo tồn trong Sách Đỏ của thế giới như voọc chà vá chân xám, vượn đen trung bộ, chim hồng hoàng, chim chân bơi…

Tháng 9/2021, Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Toàn khu được khoanh vùng thành 3 khu chức năng gồm 2 vùng lõi là Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng là nơi chứa đựng nhiều giá trị, mức độ đa dạng sinh học cao, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng, hệ thực vật, động vật rừng của Tây Nguyên.

Theo các chuyên gia, Việc UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng là khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ mở ra triển vọng để địa phương đầu tư phát triển du lịch và các mô hình kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Du lịch xanh với các tiêu chí về bảo vệ môi trường thiên nhiên gắn với hoạt động khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa, mang lại sinh kế cho người dân. Với đặc điểm là huyện thuộc 1 trong 2 vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới (vùng lõi Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng), huyện Kbang có diện tích rừng rộng nhất tỉnh Gia Lai, có hệ sinh thái còn tương đối nguyên vẹn, có tính đa dạng sinh học cao, độc đáo, phong phú với nhiều loại quý hiếm. Không chỉ đa dạng các hệ động, thực vật, sinh thái, Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng còn chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc với nhiều đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây. Đây là cơ hội thu hút bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp đầu tư phát triển du lịch và các mô hình kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh; biến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn trong tương lai với các loại hình dịch vụ, du lịch được cung ứng từ rừng như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, trải nghiệm gắn với quản lý bền vững tài nguyên rừng. Ngoài phong cảnh thiên nhiên hữu tình, Kbang còn thu hút du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa bản địa người Bahnar với các lễ hội dân gian, thưởng thức âm thanh cồng chiêng; ngành nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm; các sản phẩm thảo dược từ thiên nhiên cũng rất phong phú như: nấm linh chi, nấm lim xanh, sâm dây, mật ong rừng và các món ăn bản địa đặc trưng mang tính bản địa cao.

Các chuyên gia cho rằng, danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ mở ra cơ hội để các nhà khoa học trong nước và quốc tế tiếp cận khu vực này với các nghiên cứu chuyên sâu và quy mô hơn, góp phần khẳng định và nâng cao giá trị đa dạng sinh học của Kon Chư Răng nói riêng, Kon Hà Nừng nói chung. Qua đó, không những nâng cao khả năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực vùng lõi mà còn tạo tiền đề xây dựng kế hoạch sử dụng hợp lý tài nguyên gắn với phát triển du lịch, ổn định đời sống người dân vùng đệm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại địa phương. Đặc biệt là tạo cơ hội để người dân và cộng đồng chủ động chuyển từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang tham gia kinh doanh dịch vụ, thu hút lao động địa phương tạo ra các sản phẩm du lịch, cải thiện sinh kế bền vững.

Việc phát triển hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống là nhiệm vụ cấp bách cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái đặc trưng, các giá trị vật thể và phi vật thể trong vùng để quảng bá đến toàn thế giới, góp phần hỗ trợ các cộng đồng dân cư trong vùng phát triển kinh tế, từng bước nâng cao cuộc sống.

Hoài An

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 20/04/2023