UBND tỉnh Vĩnh Long vừa phê duyệt kế hoạch bảo vệ, mở rộng vườn chim ở xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn bằng nguồn ngân sách đia phương.
Theo đó, nhằm phát triển quần thể chim quý, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn, UBND tỉnh Vĩnh Long sẽ đầu tư mở rộng vườn chim quý ở xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn từ 1,8 ha lên 5 ha với các hạng mục chính như: Xây tháp canh, rào bảo vệ, gắn camera giám sát. Việc đầu tư mở rộng vườn chim không những góp phần bảo tồn các loài chim quý hiếm mà còn phục vụ phát triển du lịch khám phá trải nghiệm (du lịch nông thôn).
Vườn chim ở xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn ghi nhận có 33 loài thuộc 20 họ, 12 bộ. Trong đó, có ít nhất 13 cò ốc, 6 chim quắm đen, 130-135 cò ruồi, 80-120 cò trắng, 190-260 chim cốc đen, 600-625 chim vạc...
(Ảnh minh họa)
Liên quan đến công tác bảo tồn các loài chim quý hiếm, trước đó, ngày 08/4 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký kết biên bản ghi nhớ với Hội Sếu quốc tế, Hiệp hội Vườn thú Việt Nam với mong muốn khôi phục quần thể Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp). Tại lễ ký kết, các chuyên gia cam kết hỗ trợ Đồng Tháp thực hiện chương trình phục hồi Sếu đầu đỏ; đồng thời trao đổi các nội dung liên quan đến lộ trình thực hiện cấp bách và lâu dài, phân kỳ mục tiêu đạt được trong 10 năm. Nội dung ký kết bao gồm việc chuyển giao Sếu đầu đỏ con đang nuôi nhốt từ Thái Lan sang Việt Nam, đào tạo cán bộ, phát triển cơ sở nuôi nhốt, thả và giám sát Sếu đầu đỏ, quản lý môi trường sống của Sếu trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Thu Hường