Theo đánh giá của Viện Sinh thái học miền Nam, Khu dự trữ sinh quyển Langbiang (tỉnh Lâm Đồng) là một trong những trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam. Khu vực này có sự đa dạng cao về loài, với nhiều loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam, vì vậy bảo tồn đa dạng sinh học là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được địa phương đẩy mạnh triển khai.
Langbiang là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên được UNESCO công nhận vào ngày 9/6/2015. Khu dự trữ sinh quyển Langbiang có diện tích 275.439ha nằm ở phía Bắc tỉnh Lâm Đồng. Đây là nơi lưu giữ những giá trị tiêu biểu về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiện đa dạng hòa quyện với những nét văn hoá đặc sắc của Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên.
Khu dự trữ sinh quyển Langbiang bao gồm một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn với vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, nơi được đánh giá là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. Các giá trị đa dạng sinh học nổi bật tại đây rất quan trọng và mang tính toàn cầu. Các nhà khoa học đã ghi nhận khu vực này có 153 loài động thực vật nằm trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và 154 loài có tên trong Danh lục Đỏ IUCN (2010). Trong số đó có 5 loài có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu như hổ Đông Dương, voọc đen, vượn đen má vàng, bò rừng bizon Ấn Độ và khỉ lá vàng Đông Dương. Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) cũng đã xác định nơi đây là khu vực ưu tiên bảo tồn số 1 (Khu vực SA3) trong Chương trình bảo tồn các dãy núi chính Nam Trường Sơn của Việt Nam.
Khu dự trữ sinh quyển Langbiang với thảm thực vật phong phú tạo nên hệ sinh thái đa dạng.
Với đặc trưng là sự phong phú về thảm thực vật, Langbiang có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, bao gồm các hệ sinh thái trên cạn và hệ sinh thái thủy sinh. Chính đặc trưng này đã đưa Khu dự trữ sinh quyển Langbiang là nơi cư trú của 1.940 loài thực vật. Những loài đặc biệt quý hiếm có thể kể đến là thông hai lá dẹt (duy nhất trên thế giới chỉ có ở Bidoup-Núi Bà), pơmu, thông đỏ, thông 5 lá Ðà Lạt.
Tuy nhiên, trong những năm qua nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng (xây dựng đường giao thông) và phát triển kinh tế đã và đang ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh về đa dạng sinh học của Khu dữ trữ sinh quyển thế giới Langbiang Mặc dù hoạt động nghiên cứu về đa dạng sinh học trong những năm gần đây đã thu được không ít thành tựu nổi bật, nhưng dưới ảnh hưởng và tác động ngày càng mạnh mẽ của nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thì kết quả nghiên cứu chưa thực sự phản ảnh được sự biến động về đa dạng sinh học.
Do đó, cần một chương trình mang tính chất theo dõi, giám sát sự biến động về đa dạng sinh học trong Khu dự trữ sinh quyển dưới áp lực phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này. Trên cơ sở khoa học từ việc quan trắc, giám sát sẽ góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ trong Khu dự trữ sinh quyển nhằm giải quyết vấn đề nguồn lực nội tại của Khu dự trữ sinh quyển.
Giai đoạn 2018 - 2020, dưới sự hỗ trợ của Dự án quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững do JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) tài trợ, Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Langbiang đã triển khai xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát đa dạng sinh học trong Khu dự trữ sinh quyển và đã triển khai quan trắc, giám sát định kỳ. Kết quả đã cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về hiện trạng, diễn biến đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển để xây dựng các kế hoạch quản lý hiệu quả.
Từ năm 2021, sau khi Dự án quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững kết thúc, UBND tỉnh Lâm Đồng đã bố trí kinh phí để tiếp tục thực hiện hoạt động quan trắc, giám sát đa dạng sinh học trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới với mục tiêu: thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học kịp thời, đầy đủ phục vụ quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển thế giới theo chức năng, nhiệm vụ đã được quy định.
Giám sát và đánh giá đa dạng sinh học tại khu vực này là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được đẩy mạnh triển khai.
Để bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang, giai đoạn (2018-2022) tỉnh Lâm Đồng đã thiết lập cơ chế hợp tác liên ngành nhằm bảo vệ, duy trì và phát triển các dịch vụ hệ sinh thái, bảo đảm phúc lợi của người dân và phát triển kinh tế, gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Huy động hiệu quả các nguồn lực và phát huy tối đa hiệu quả hợp tác giữa các bên liên quan, góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lâm Đồng trên các địa bàn thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang
Để quản lý và bảo vệ tốt hệ sinh thái đa dạng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại miền đất Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng đã thành lập Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang; tăng cường các hoạt động truyền thông, triển khai nghiên cứu khoa học và bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý và bảo tồn.
Việc thực hiện chương trình giám sát và đánh giá đa dạng sinh học sẽ phát hiện xu thế biến đổi theo thời gian của các yếu tố sinh thái (thảm thực vật, thành phần loài động vật hoặc thực vật, trữ lượng quần thể,...) dưới tác động của con người và các tác nhân khác. Việc xác định cụ thể sự biến đổi của các loài, môi trường sống của chúng và nguyên nhân tác động là cần thiết nhằm giúp Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển và các nhà lãnh đạo liên quan khác lựa chọn và đưa ra các giải pháp ưu tiên thích hợp để quản lý tốt nguồn tài nguyên sinh học trong thời gian tới.
Minh An