Sáng ngày 18/8/2009, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường TPHCM đã tổ chức hội thảo quản lý bao bì nhựa và giấy tại TPHCM, nhằm kêu gọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuỗi quá trình phân loại bao bì nhựa, giấy và tái chế; đồng thời nên xem rác thải có chứa bao bì nhựa, giấy như một nguồn tài nguyên.
Theo Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường TPHCM, hàng năm, các nhà sản xuất trên địa bàn đã làm ra 762.300 tấn bao bì nhựa và 800.000 tấn bao bì giấy, riêng tiêu dùng tại thành phố có khoảng 120 tấn bao bì được sử dụng mỗi ngày; trong đó có 60% (chiếm đến 80 tấn/ngày) là bao bì nhựa.
Thói quen sử dụng một lần rồi bỏ các loại bao bì từ nhựa và giấy của người tiêu dùng đã làm cho các nhà sản xuất, các nhà phân phối gia tăng khối lượng sử dụng các bao bì này và gây áp lực cho việc xử lý rác thải, gây ô nhiễm môi trường.
Tiến sĩ Phan Hồng Nhật, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường TPHCM cho hay, cứ mỗi ngày người dân TPHCM thải ra 80 tấn rác thải từ bao bì nhựa, trong khi mỗi bao bì này sẽ phải mất 400 năm trong điều kiện tự nhiên mới tiêu hủy hết khiến việc sử dụng các túi nylon thành vấn nạn lớn cho vệ sinh môi trường.
Các nhà khoa học và doanh nghiệp tham gia hội thảo đã kêu gọi các nhà sản xuất và cung ứng bao bì cần có những giải pháp mạnh mẽ và mau chóng cho việc xử lý và tái chế bao bì, đồng thời các nhà phân phối và người tiêu dùng nên hưởng ứng dùng bao bì sử dụng nhiều lần cũng như tích cực thu gom và tái chế bao bì nhựa và giấy, nhất là việc ủng hộ chương trình sử dụng bao bì tự phân hủy.