Mô hình du lịch thân thiện với voi tại Đắk Lắk đang có những chuyển biến tích cực. Những hành động đẹp, thân thiện, gần gũi đã và đang dần thay thế du lịch cưỡi voi và các hoạt động du lịch làm ảnh hưởng đến phúc lợi của voi.
Voi thưởng thức những loại hoa quả yêu thích tại tiệc buffet. Ảnh: Quỳnh Anh
Con voi - biểu tượng văn hóa Tây Nguyên
Con voi là biểu tượng, là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và là một phần không thể thiếu trong các mùa lễ hội cà phê - lễ hội lớn nhất tỉnh Đắk Lắk.
Song, trong các chương trình Lễ hội cà phê lần thứ 8 năm 2023, lần đầu tiên, Đắk Lắk không sử dụng voi diễu hành tại lễ hội đường phố và Hội voi Buôn Đôn, không còn đua voi, thi voi chạy, voi bơi, voi đá bóng. Thay vào đó, lại có nhiều tour du lịch thân thiện với voi tại huyện Lắk và Buôn Đôn. Ở đó, voi được thi trang điểm, thi chào khán giả, ăn tiệc buffet và được cúng sức khỏe…
Đến Buôn Đôn ngày Hội voi và Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc, nhiều du khách tỏ ra thích thú khi trải nghiệm hoạt động cúng sức khỏe cho voi, xem voi thưởng thức các món ăn yêu thích tại bữa tiệc buffet dành cho voi. Anh Trịnh Văn Lý, du khách từ Đồng Nai chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đưa gia đình đến Đắk Lắk và may mắn trải nghiệm các hoạt động thú vị với voi. Con gái tôi rất thích được cầm mía cho voi ăn, chụp ảnh cùng voi, xuống nước tắm cho voi… Đặc biệt, chúng tôi được chứng kiến các nghi thức cúng sức khỏe cho voi, hiểu thêm nhiều điều về văn hóa đồng bào Tây Nguyên và xem những con vật to lớn ăn tiệc buffet một cách ngon lành”.
Thực hiện kế hoạch của tỉnh Đắk Lắk về chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi, Trung tâm Du lịch Cầu Treo Buôn Đôn - Làng Đảo tại huyện Buôn Đôn trực thuộc Chi nhánh du lịch và khách sạn Biệt Điện thuộc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) đã nỗ lực vận động các chủ voi là người dân địa phương cùng đơn vị ngừng hẳn dịch vụ cưỡi voi tại Trung tâm du lịch Cầu Treo Buôn Đôn. Thay vào đó, đơn vị khai thác các dịch vụ du lịch thân thiện với voi như chụp ảnh cùng voi, cho voi ăn, tắm cùng voi… để mang lại nguồn thu nhập cho chủ voi, nài voi.
Sau khi ngưng hoạt động cưỡi voi, lượng du khách đến với Buôn Đôn giảm mạnh. Đơn vị du lịch đã tăng cường tuyên truyền để du khách và người dân địa phương hiểu về hoạt động du lịch thân thiện với voi. Ngày 1/3/2023, Simexco Daklak triển khai chiến dịch truyền thông nội bộ và du lịch “Tôi cười cùng voi, tôi ngưng cưỡi voi”, nhằm bảo tồn voi Buôn Đôn lâu dài.
Theo số liệu thống kê, hiện nay, quần thể voi nhà tại Đắk Lắk chỉ còn 36 cá thể, giảm gần 90% so với thập niên 80 của thế kỷ trước, trong đó, huyện Buôn Đôn còn 21 cá thể voi, huyện Lắk còn 14 cá thể voi và 1 cá thể voi ở huyện Krông Ana. Số lượng voi nhà ngày càng suy giảm, trong khi đó, hơn 30 năm qua, chưa có cá thể voi nhà nào sinh sản thành công và các cá thể voi nhà đang ngày càng già.
Tháo xiềng xích, đưa voi về rừng
Vườn Quốc gia Yok Đôn là đơn vị thí điểm thực hiện mô hình du lịch thân thiện với voi từ năm 2018 với sự hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật của Tổ chức động vật châu Á (AAF).
Ông Trần Đức Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ Vườn Quốc gia Yok Đôn cho biết: “Trước khi về Vườn Quốc gia Yok Đôn, 2 cá thể voi này cũng bị xiềng xích, phục vụ chở khách du lịch. Tham gia mô hình du lịch voi thân thiện, voi được cởi xích, chăn thả trong rừng, không phải chở khách hàng ngày nữa. Đến nay, Vườn Quốc gia Yok Đôn có 10 cá thể voi nhà tham gia mô hình. Số lượng khách đăng ký trải nghiệm khám phá các hoạt động cùng voi cũng không ngừng tăng lên”.
Nhằm triển khai mô hình du lịch thân thiện với voi, hướng tới chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi, nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà và bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, năm 2021, UBND tỉnh Đắk Lắk và AAF đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác xây dựng mô hình thân thiện với voi nhà, nhằm hướng tới việc chấm dứt du lịch cưỡi voi và các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi của voi nhà, góp phần bảo tồn voi nhà Đắk Lắk.
Đến tháng 3/2022, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành kế hoạch hoàn thiện mô hình sản phẩm “Du lịch thân thiện với voi”, tiến tới chấm dứt du lịch cưỡi voi. Tháng 11/2022, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh. Nguồn kinh phí do AAF tài trợ, với tổng số tiền hơn 55,4 tỉ đồng.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Thái Hồng Hà, việc chuyển đổi mô hình du lịch voi thân thiện là hướng đi đúng đắn, mang tính nhân văn nhằm bảo vệ sức khỏe và các phúc lợi khác cho voi. Hiện, các cấp, ngành của tỉnh đang phối hợp với huyện Buôn Đôn và Lắk tiếp tục tuyên truyền, vận động các chủ voi, doanh nghiệp chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi, tiến tới chấm dứt hoạt động cưỡi voi, góp phần bảo tồn đàn voi nhà tại Đắk Lắk.
Quỳnh Anh