Theo Địa chí Long An, là vùng tiếp giáp giữa miền Đông và miền Tây Nam bộ, Long An ngày nay không có những rừng gỗ lớn bạt ngàn như Đồng Nai, Bình Phước và cũng không có loại rừng ngập mặn như Bến Tre.
Rừng ở đây còn lại chủ yếu là cây tràm cừ, tràm gió và cây bàng phát triển ở vùng đất chua phèn tập trung ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM). Hình ảnh cây tràm đã gắn liền với Long An, đặc biệt là vùng ĐTM từ những ngày mở đất. Cây tràm cùng người dân Long An đi qua 2 cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đến ngày nay, cây tràm tiếp tục đồng hành trong công cuộc dựng xây quê hương.
Từ trong kháng chiến
Tràm là loại cây thích hợp với vùng đất chua, phèn, ngập nước và được xem là một đặc trưng của vùng ĐTM. Từ hàng trăm năm trước, cây tràm có mặt ở ĐTM, tồn tại, phát triển cho đến ngày nay. Địa chí Long An có đoạn chép: “Dấu vết những dải rừng tràm nguyên sinh bị vùi sâu dưới lớp bùn, phù sa do thiên tai, bão lụt được phát hiện ở ĐTM mà người dân địa phương thường gọi là “tràm lụt” chứng tỏ rằng nơi đây, từ nhiều thế kỷ trước là những khu rừng rộng lớn”.
Sinh viên tìm hiểu về phân bố rừng tràm của Khu Bảo tồn đa dạng sinh học - cây dược liệu Đồng Tháp Mười
Trong suốt những năm kháng chiến, cánh rừng tràm bạt ngàn ở ĐTM là nơi chở che cho các chiến sĩ cách mạng ta. Trong 8 chuyên đề tái hiện một phần hoàn cảnh sống và chiến đấu của cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Long An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại tầng hầm khu Công viên tượng đài Long An Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc có 4 chuyên đề miêu tả hoàn cảnh sống, chiến đấu của cán bộ cách mạng ta dưới tán rừng tràm: Nhân dân dùng xuồng đưa bộ đội vượt sông đánh giặc; Sản xuất vũ khí tại Công binh xưởng; Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sống, chiến đấu trong mùa nước lũ và Dân công hỏa tuyến Long An làm “cầu người” vận chuyển thương binh.
Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ và Căn cứ Bình Thành đều là những căn cứ quan trọng của ta, được chở che bởi những tán rừng tràm. Kể cả Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến và cả ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam cũng được khai sinh dưới những tán tràm của vùng ĐTM, tạo nên một huyền thoại mang tên Điện ảnh bưng biền.
Đến xây dựng quê hương
Chiến tranh kết thúc, cây tràm vẫn kiên gan bám đất, cùng người dân dựng xây cuộc sống. Sau ngày giải phóng, diện tích rừng ở ĐTM (phần thuộc Long An) còn lại khoảng 3.000ha, chủ yếu là tràm cừ và tràm gió. Cây tràm cừ thân thẳng, cao hàng chục mét, thường dùng làm đòn tay, kèo, cột nhà và đóng cừ trong xây dựng. Cây tràm gió thân khẳng khiu, lá chứa nhiều tinh dầu. Tràm gió là nguyên liệu chiết xuất tinh dầu tràm, đang được nhiều doanh nghiệp khai thác hiệu quả, chế tạo nhiều loại sản phẩm chất lượng, được thị trường ưa chuộng.
Ngoài việc cung cấp gỗ, tinh dầu, rừng tràm còn có tác dụng chắn gió, ngăn tốc độ dòng lũ, cải tạo môi sinh. Rừng tràm là nơi cư trú của rắn, rùa, chim,... Nấm tràm và mật ong tràm cũng là những đặc sản chỉ có ở vùng ĐTM.
Du lịch sinh thái dưới tán rừng tràm là một đặc trưng nổi bật của Long An
Trong giai đoạn mới, cây tràm lại đồng hành cùng người dân Long An trong hành trình phát triển du lịch. Du lịch sinh thái tại vùng ĐTM là điểm nhấn của du lịch Long An với Làng nổi Tân Lập và Cánh Đồng Bất Tận. Ngoài tận dụng cảnh quan dưới tán tràm xanh mát, Cánh Đồng Bất Tận còn kết hợp khai thác du lịch chăm sóc sức khỏe và cung cấp các sản phẩm được chế tạo từ tinh dầu tràm.
Ngày nay, Long An còn khoảng gần 22.000ha rừng, cây tràm vẫn là loài chiếm đa số diện tích. Khoảng một nửa diện tích rừng thuộc sở hữu hộ gia đình và dùng vào mục đích sản xuất với loại tràm được trồng chủ yếu là tràm cừ. Thạnh Hóa và Đức Huệ là 2 địa phương còn nhiều diện tích tràm nhất hiện nay. Tuy nhiên, giá cây tràm có thời điểm sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, dẫn đến việc nông dân chuyển đổi cây trồng.
Những năm gần đây, diện tích rừng tràm có dấu hiệu giảm do khai thác chưa trồng lại và rừng đặc dụng bị chết. Tháng 3/2023, UBND tỉnh có Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Long An năm 2023 nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tăng độ che phủ, bảo tồn đa dạng sinh học; bảo tồn nguồn gen của các loài động, thực vật; góp phần tăng trưởng kinh tế; tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Theo đó, đề án đặt ra mục tiêu trồng thêm 650ha rừng tập trung trong năm 2023.
Tràm đến nay vẫn là loài cây gắn bó với đất và người Long An, trở thành một phần đặc trưng không thể thiếu của tỉnh./.
Mộc Châu