Sông Cầu đã nhiều đời nay nổi tiếng qua những lời ca tiếng hát. Những ai chưa từng đến với dòng sông nhưng đã mang nặng trong lòng một tình yêu với dòng sông thơ mộng này, nay không khỏi chạnh lòng nếu nghe những câu ca mới: Nước sông cầu đến đâu, vỏ dâu tuột đến đấy”, hay “Nước sông Cầu đến đâu, lá dâu vàng đến đấy”…
Theo lời các cụ già ở xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà, Bắc Ninh, một xã có chiều dài sông kỷ lục chạy qua: 10 km – thì dòng sông này xưa kia nước lúc nào cũng trong văn vắt. Ngửa nón ra múc, uống vào là có thể cảm nhận được dòng nước trong lành, mát lịm chảy trong cơ thể. Thế nhưng, ngày nay do ô nhiễm, nước con sông này đã trở nên “vô dụng”, nếu không muốn nói là độc hại.
Nước - nguồn tài nguyên, một thứ quà tặng vô giá mà thiên nhiên ban cho con người qua dòng sông Cầu này đang bị huỷ hoại mỗi ngày. Nguyên nhân của nó lại chính từ hành vi của con người.
Chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên nước với chủ đề “Dòng sông quê em” do Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên & Môi trường) và UBND xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang phối hợp tổ chức với sự tham gia của toàn thể nhân dân thuộc 10 thôn trong xã Mai Đình và học sinh trường THCS Mai Đình và trường Tiểu học và THCS Mai Đình là một hoạt động hết sức thiết thực.
Chiến dịch được phát động từ đầu tháng 8 năm 2009, với các hoạt động như tập huấn kiến thức về tài nguyên nước cho cán bộ và nhân dân; thi sáng tác thơ, văn và vẽ tranh với chủ đề Dòng sông quê em; thi tìm hiểu các kiến thức về tài nguyên nước thông qua hình thức trả lời câu hỏi, xây dựng tiểu phẩm hay các tình huống ứng xử.
Lễ tổng kết Chiến dịch được tổ chức ngày 25/8/2009 tại xã Mai Đình. Ngoài những cá nhân tham gia các tiết mục và những người đến cổ vũ, toàn bộ người dân trong xã được nghe phát trực tiếp cuộc thi trên hệ thống loa đài của xã.
Theo TS. Nguyễn Thái Lai, thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường “Truyền thông nâng cao nhận thức về tài nguyên nước cho các nhóm đối tượng khác nhau là hoạt động ưu tiên trong giai đoạn này của ngành nước nói chung và Cục Quản lý Tài nguyên Nước nói riêng. Mọi người dân đều có quyền và nghĩa vụ chia sẻ trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ và quản lý tài nguyên nước, từ đó đảm bảo tính công bằng và bền vững trong khai thác, quản lý và phát triển nguồn tài nguyên quý giá này”.