Ngỡ ngàng với những bức ảnh thiên nhiên hoang dã đẹp nhất năm

Cập nhật: 20/06/2023
Cuộc thi BigPicture Natural World vừa vinh danh những bức ảnh thiên nhiên hoang dã đẹp nhất năm nay.

Bức ảnh Người bạn ở sân sau - tác giả Corey Arnold (Mỹ).

Khu vườn của 1 cặp vợ chồng nghỉ hưu sống ở ngoại ô Asheville, Bắc Carolina thường xuyên có những vị khách bốn chân ghé thăm, trong đó có chú gấu đen Mỹ xinh đẹp này. Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Corey Arnold. Ông nổi tiếng với những bức ảnh về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Tác phẩm của ông đã được trưng bày rộng rãi trong các phòng trưng bày và bảo tàng trên toàn thế giới, và được đăng tải trên các tạp chí nổi tiếng như Harpers, New York Times, National Geographic…

Bức ảnh Lưỡi dao và gai của Kate Vylet

Chụp khoảnh khắc một lưỡi tảo bẹ lỏng lẻo bị nuốt chửng bởi loài nhím biển màu tím và đỏ. Nhím biển được cho là loài phàm ăn và tàn phá các khu rừng tảo bẹ ngoài khơi bang California. Tuy nhiên, nhím biển cũng đóng vai trò quan trọng khi ăn các cây tảo chết và cung cấp thức ăn cho sinh vật biển bậc cao hơn trong chuỗi thức ăn. Loài nhím này cũng đang nỗ lực để sinh tồn vì những ngôi nhà tảo bẹ của chúng đang dần biến mất do biến đổi khí hậu. Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Kate Vylet (Mỹ), cô chuyên quay phim và chụp ảnh về những hệ sinh thái dưới đại dương.

Bức ảnh Phát hiện của Donglin Zhou.

Thoạt nhìn, bạn sẽ thấy giống như một con báo tuyết mẹ đang chơi đùa với con của nó. Nhưng thực tế, đây là mèo Manul, một loài mèo hoang nhỏ sống trên khắp Trung Á. Bức ảnh ghi lại một con báo tuyết lén lút tiếp cận con mèo Manul trên cao nguyên Thanh Tạng (Trung Quốc). Nhiếp ảnh gia Donglin là người đồng sáng lập Cơ quan Bảo tồn Thiên nhiên SKW, cô nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã thông qua điều tra thực địa, cứu hộ và chụp ảnh sinh thái.

Hãy bắt tôi nếu bạn có thể của Xiaoping Lin được chụp ở một hồ gần thành phố Hạ Môn, Trung Quốc.

Trong hình, con cò trắng đã mất cảnh giác khi con cá nhỏ mà nó đang để mắt nhảy khỏi mặt nước do bị một con cá lớn săn. Tác giả đã sử dụng khả năng chụp liên tục tốc độ cao để ghi lại khoảnh khắc ấn tượng này. Lin Xiaoping chủ yếu tập trung vào chụp ảnh các loài chim. Thông qua bộ ảnh này, anh kêu gọi mọi người hãy quan tâm và bảo vệ môi trường.

Bức ảnh Tái sinh của Miquel Angel Artús Illana (Tây Ban Nha).

Vào năm 2015, một đám cháy ở Công viên Quốc gia Jasper lan rộng ra vài nghìn ha đã khiến gần một trăm người phải sơ tán. Nhiều tháng sau, nhiếp ảnh gia này quay lại địa điểm này và ấn tượng bởi khả năng phục hồi của khu rừng. Đáy đá của sườn núi tạo ảo giác rằng những cây vân sam vẫn đang bốc cháy, nhưng tán lá tươi mới cho thấy công viên đang trong quá trình phục hồi.

Bức ảnh Cánh đồng mơ ước của J Fritz Rumpf (Mỹ).

Đây là bức ảnh giành chiến thắng trong hạng mục Nature Art (Nghệ thuật thiên nhiên). Thoạt nhìn, bức ảnh trông như khung cảnh ven biển với những con sóng vỗ vào vách đá hay bãi cát gợn sóng giữa sa mạc sâu thẳm? Nhưng thực tế đó là mặt dưới của một loại nấm, thuộc chi Lactarius, hay còn được gọi là nấm nắp sữa vì chất lỏng màu trắng đục. Trong khi chụp ảnh các loài nấm tại dãy núi Trắng ở Arizona, Fritz Rumpf đã bị thu hút bở màu sắc rực rỡ khác thường của loài nấm này, loài nấm này có màu xanh lam âm u do hóa chất bên trong chúng tiếp xúc với không khí.

Mũi chạm mũi của Douglas Gimesy (Úc).

Trong ảnh, một con gấu túi mũi trần có mẹ đã bị giết bởi một chiếc ôtô. Tác giả đã ghi lại khoảnh khắc một sinh viên thú y trẻ cho con vật này bú bình. Sau đó, mũi cô sinh viên đã chạm vào con gấu túi như một sự gắn kết giữa con người và động vật. Những con gấu túi con, với chiếc mũi rất nhạy cảm, đặc biệt đánh giá cao sự tiếp xúc gần gũi như vậy. Bức ảnh dịu dàng này như một lời nhắc nhở với chúng ta về số lượng gấu túi đang giảm dần trong tự nhiên.

Bức ảnh Tất cả con của tôi của nhiếp ảnh gia Marcus Westberg (Bồ Đào Nha).

Tại Khu bảo tồn linh trưởng Lwiro ở Công viên Quốc gia Kahuzi-Biega, Congo, tác giả đã nhìn thấy những người chăm sóc đối xử dịu dàng với tinh như con người. Tinh tinh hoang dã thường ở gần mẹ của chúng cho đến khi chúng khoảng 5 tuổi. Vì vậy khi mẹ của chúng bị giết bởi những kẻ săn trộm, sự tách biệt có thể gây tác hại đến đời sống con tinh tinh non đang phát triển. Bức ảnh không chỉ lay động trái tim mà còn nhắc nhở chúng ta rằng, con người và động vật giống nhau hơn là khác nhau.

Bức ảnh bạch tuộc chăn của của tác giả Heng Cai.

Loài động vật này được đặt tên như vậy vì con cái có một lớp màng trong suốt nối với cánh tay. Chúng thuộc lớp động vật chân đầu và được tác giả chụp ở Philippines. Hầu hết bạch tuộc chăn được quan sát là con cái, có thể dài tới 2m và nặng hơn 40.000 lần so với con đực có kích thước bằng quả óc chó.

Bức ảnh Chờ đợi tình yêu của Audun Rikardsen (Nauy)

Bức ảnh san hô cầu vồng Cynarina được chụp ở Anilao, Philippines của nhiếp ảnh gia Suzan Meldonian (Mỹ)

Linh Linh

Nguồn: Tạp chí Du lịch TP HCM - tcdulichtphcm.vn - Đăng ngày 19/06/2023