Tín hiệu vui cho phát triển du lịch cộng đồng Vĩnh Phúc

Cập nhật: 20/06/2023
Thời gian qua, việc phát triển các làng văn hóa du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) ở nhiều địa phương trên cả nước đã từng bước đem lại sự thay đổi tích cực. Cụ thể, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân; góp phần bảo vệ môi trường; phát triển du lịch; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và nâng cao ý thức của người dân.

Quá trình xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu kết hợp phát triển du lịch đã đem lại diện mạo mới và làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực. Nhận thức của người dân về phát triển du lịch được nâng lên. Đây sẽ là cơ sở để các làng văn hóa du lịch phát triển một cách bền vững, khai thác tốt hơn nữa lợi thế về bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương gắn với phát triển du lịch - dịch vụ, từng bước đóng góp vào công cuộc xây dựng NTM. Không chỉ vậy làng văn hóa còn là nơi tổ chức biểu diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ, hoạt động thể dục thể thao, triển lãm, sinh hoạt câu lạc bộ và các hoạt động vui chơi giải trí của nhân dân…Từ các hoạt động đó sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, giảm nghèo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp của địa phương.

Khu trung tâm văn hóa tại thôn Tam Quang, thị trấn Gia Khánh (Bình Xuyên) được quy hoạch xây dựng mới khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã thông qua Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ban hành quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng/mô hình cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình triển khai mô hình siêu thị mini mới có diện tích 200m2; 100 triệu đồng/mô hình điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của địa phương với diện tích tối thiểu 100m2.

Đối với mô hình điểm du lịch cộng đồng, tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng/mô hình khi đảm bảo có bãi đỗ xe, khu lễ tân, khu vệ sinh công cộng, có tối thiểu 2 dịch vụ phục vụ khách trải nghiệm, chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13259:2020 và cam kết kinh doanh đúng dịch vụ đã đăng ký. Về mô hình du lịch Homestay, Farmstay, tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng/1 cơ sở Homestay xây dựng mới có quy mô phục vụ 15 khách trở lên; 300 triệu đồng/cơ sở Farmstay kết hợp trải nghiệm nông nghiệp xây dựng mới có diện tích tối thiểu 0,5ha và có quy mô đầu tư phục vụ từ 30 khách trở lên. Cả 2 loại hình này, đối tượng nhận thụ hưởng chính sách phải cam kết kinh doanh đúng dịch vụ du lịch đã đăng ký. Mô hình du lịch Homestay, Farmstay sau khi đầu tư xây dựng hoàn thành, mô hình phải đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia về du lịch Homestay, Farmstay.

Chính sách trên thực sự là 1 tín hiệu vui cho phát triển nông thôn mới gắn với các mô hình hoạt động phục vụ khách du lịch. Mỗi địa phương phát huy thế mạnh về điểm đến, sản phẩm, sản vật đặc trưng, từ đó kết nối thành 1 chương trình du lịch nội tỉnh mang tính đặc sắc, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh, du khách quốc tế tìm hiểu, trải nghiệm về cuộc sống hàng ngày của người dân từ các nền văn hóa khác nhau, khám phá thiên nhiên. Đây cũng là hướng khai thác, phát triển loại hình du lịch cộng đồng nhằm mang lại lợi ích không chỉ về kinh tế, xã hội cho cộng đồng mà còn góp phần vào công tác bảo tồn các nét văn hóa bản địa và giữ gìn cảnh quan tự nhiên.

Phát triển du lịch cộng đồng sẽ giúp đồng bào Cao Lan, xã Quang Yên, huyện Sông Lô giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống

Du lịch cộng đồng ở Vĩnh Phúc hiện nay còn là một khái niệm mới mẻ đối với du khách. Thiên nhiên đã ban tặng cho Vĩnh Phúc một kho tàng các danh thắng thiên nhiên. Vĩnh Phúc là địa bàn sinh sống của rất nhiều các dân tộc anh em (tiêu biểu trong đó có dân tộc Sán Dìu, Cao Lan). Mỗi dân tộc đều có những nét văn hoá đặc trưng độc đáo, được thể hiện qua các phong tục tập quán, lễ hội dân gian, các làn điệu dân ca (hát Sọong Cô – làn điệu dân ca đặc sắc của người dân tộc Sán Dìu, được lưu giữ hàng trăm năm trong kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian ở Vĩnh Phúc), ẩm thực (với đặc sản như rau su su, cá thính, chè kho Tứ Yên, giò chả, nem chua Vĩnh Yên)… Cùng với đó là hệ thống giao thông đi lại thuận tiện. Đây chính là thế mạnh để Vĩnh Phúc phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay Vĩnh Phúc chưa có một dự án du lịch cộng đồng nào được triển khai theo đúng tiêu chí.

Nghị quyết trên đi vào thực thi, gắn với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác thế mạnh tiềm năng của tỉnh, mục tiêu mỗi làng văn hóa kiểu mẫu là 1 mô hình đại diện cho những đặc trưng về văn hóa của địa phương, là điểm đến du lịch mà du khách được trải nghiệm cuộc sống bản địa, thưởng thức ẩm thực địa phương, vui chơi giải trí. Chủ trương đã cụ thể, mục tiêu là vậy, tiếp theo là những kế hoạch, việc làm cụ thể nhằm phát triển bền vững mô hình du lịch cộng đồng tại Vĩnh Phúc, cần sự vào cuộc một cách trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, người dân.

Nguyễn Hảo

Nguồn: Trung tâm TTXTDL Vĩnh Phúc -dulichvinhphuc.gov.vn - Đăng ngày 19/6/2023