Lào Cai có nguồn tài nguyên rừng quý giá với hệ động vật và thực vật phong phú, thích hợp cho việc khai thác, phát triển du lịch sinh thái. Những năm qua, tỉnh chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng thực hiện hiệu quả công tác quản lý, phát triển tài nguyên rừng.
Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) là kho tài nguyên quý, nơi lưu giữ sự đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý, hiếm. Đây cũng là nơi dự trữ, bảo tồn và phục hồi các nguồn gen. Vườn Quốc gia Hoàng Liên được chia thành 3 phân khu chính, gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; phân khu phục hồi sinh thái; phân khu hành chính, dịch vụ du lịch và vùng đệm. Trong đó, phân khu hành chính và dịch vụ du lịch có 200 ha, nơi đây có rừng tự nhiên, rừng già với hệ động - thực vật phong phú, tạo thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái.
Để bảo tồn hệ sinh thái rừng gắn với việc khai thác tiềm năng du lịch hợp lý, thiết lập các tuyến du lịch, tạo điểm đến hấp dẫn theo đề án phát triển du lịch sinh thái, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã triển khai cho các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng, xây dựng quần thể du lịch khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch tâm linh, dịch vụ cáp treo Fansipan dựa trên nguyên tắc không làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động xấu đến môi trường sinh thái.
Đến nay, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã có một số sản phẩm du lịch sinh thái hấp dẫn như chinh phục đỉnh Fansipan, khám phá suối Vàng - thác Tình Yêu... Đồng thời, đang xúc tiến mở thêm các điểm du lịch mới như vũng Rồng - giếng Tiên, quần thể cây di sản Việt Nam, phối hợp với vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) nghiên cứu, đưa vào thử nghiệm một số loại hình du lịch thể thao mạo hiểm, nổi bật là tour trượt thác nước tại thác Tình Yêu, bình quân mỗi năm đón hơn 15.000 lượt khách du lịch, đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Nhằm bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư, khách du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường tuần tra, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, trực canh gác 24/24 giờ theo phương châm 4 tại chỗ để phát hiện sớm đám cháy. Đẩy mạnh khoanh nuôi tái sinh rừng, giao khoán bảo vệ rừng... - Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Huyện Bát Xát có hơn 70.500 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong có 51.900 ha rừng tự nhiên. Trên địa bàn huyện có những đỉnh núi thuộc tốp 10 cao nhất Việt Nam như Ky Quan San, Nhìu Cồ San, Lảo Thẩn, Pu Ta Leng. Những đỉnh núi này có phong cảnh hoang sơ, hùng vĩ, với rừng già nguyên sinh nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.
Hoạt động du lịch, trong đó có du lịch leo núi đang góp phần làm thay đổi bức tranh vùng cao huyện Bát Xát, nhất là ở các xã có nhiều tiềm năng như Y Tý, Sàng Ma Sáo. Hiện nay, tại 2 xã có gần 20 homestay, hàng chục người chuyên tổ chức các đoàn leo núi và khoảng 150 người làm nghề porter. Du lịch phát triển cũng góp phần giúp người dân bản địa nâng cao nhận thức, chuyển dần từ làm nông nghiệp sang phát triển du lịch, dịch vụ, có ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để thu hút du khách.
Tuy nhiên, khi lượng khách leo núi tăng, nhu cầu sử dụng củi để đun nấu tại các lán nghỉ cũng tăng, vào mùa hoa đỗ quyên, không ít du khách còn chặt cành, bẻ hoa để chụp ảnh… tạo áp lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Huyện Bát Xát đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ rừng, trong đó có phương châm dựa vào dân để giữ rừng. Hằng năm, Hạt Kiểm lâm huyện và Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đều tổ chức ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với hơn 2.000 hộ và cộng đồng thôn sống gần rừng.
Lào Cai có hơn 382.861 ha rừng, trong đó hơn 266.753 ha rừng tự nhiên và 116.107 ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ rừng 57,7%, nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước. Trên địa bàn tỉnh có 1 vườn quốc gia và 2 khu bảo tồn thiên nhiên, là những nơi lưu giữ, bảo tồn nguồn gen nhiều loài động vật, thực vật quý, hiếm, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Thực tế cho thấy, du lịch sinh thái đang góp phần tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho người dân tại nhiều địa phương trong tỉnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Năm 2023, phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai; Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn và Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Các đề án sẽ giúp việc phát triển du lịch trong các khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh bền vững hơn.
Theo ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, phát triển du lịch phải đi đôi với bảo vệ cảnh quan, môi trường và phát triển rừng. Các địa phương cần có chiến lược phát triển du lịch phù hợp, có sự quản lý theo hệ thống.
“Chi cục chú trọng đào tạo nguồn nhân lực hiện có của các hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và quản lý, vận hành, thực hiện các hoạt động du lịch trên lâm phận được giao quản lý, từng bước chuẩn hóa kỹ năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch” - ông Điệp nói.
Kim Thoa - Khánh Ly