Ông Hoàng Xuân Đôn, Trưởng ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐC) cho biết, tỉnh Hà Giang dự kiến sẽ tiến hành thu phí thăm quan CVĐC theo khuyến nghị bắt buộc của Mạng lưới CVĐC toàn cầu, đồng thời nhằm quản lý, quảng bá, giáo dục, bảo tồn hệ thống di sản của Công viên địa chất.
Đoàn chuyên gia thẩm định CVĐC toàn cầu UNESCO kiểm tra địa chất khu vực CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tháng 8/2022.
Tỉnh Hà Giang dự kiến sẽ tiến hành thu phí thăm quan Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐC). Phạm vi thu phí áp dụng trên địa bàn bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc nhưng không bao gồm phí tham quan ở ba điểm: hang Lùng Khúy, Nhà Vương và cột cờ Lũng Cú.
Theo Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn, có khoảng 40 điểm trong phạm vi CVĐC có thể thu phí nhưng tỉnh Hà Giang mới chỉ thu phí ba điểm, gồm hang Lùng Khúy (Quản Bạ); Nhà Vương và cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn). Việc thu phí tại các điểm thăm quan du lịch trên khu vực CVĐC hiện chưa đồng nhất về đơn vị thu phí, ảnh hưởng đến công tác quản lý, đầu tư và sử dụng các điểm thăm quan, gây khó khăn cho các cấp quản lý trong việc sử dụng nguồn thu để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm mới để đạt được những hiệu quả nhất định trong việc phát triển du lịch mang tính bền vững và giữ nguyên giá trị truyền thống.
Việc thu phí cũng xuất phát từ khuyến nghị bắt buộc của Mạng lưới CVĐC toàn cầu trong kỳ tái thẩm định năm 2018, 2022 và chuẩn bị cho kỳ tái đánh giá lần thứ 4 vào năm 2026 và những năm tiếp theo.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Xuân Đôn, Trưởng ban Quản lý Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn cho biết: Từ năm 2017 đến năm 2021, tổng số phí thu được tại các điểm thăm quan trong khu vực CVĐC khoảng 29 tỷ đồng, sau khi nộp ngân sách chỉ còn 17,2 tỷ đồng. Nguồn lực đầu tư để xây dựng và phát triển CVĐC được sử dụng từ ngân sách địa phương như: hệ thống giao thông, nước sạch, điện, chuyển đổi nghề nghiệp và mô hình kinh tế, an ninh chính trị và quốc phòng. Trong thời gian tới, nguồn kinh phí cần thiết chi đầu tư xây dựng và phát triển CVĐC nhằm quảng bá, giáo dục, bảo tồn, quản lý, xây dựng hạ tầng để đảm bảo các khuyến nghị của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO và đáp ứng nhu cầu của du khách sẽ ngày càng lớn. Nếu chỉ chờ nguồn kinh phí bao cấp từ ngân sách nhà nước sẽ thiếu hụt trầm trọng, không thể đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển.
Ngày 3/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn chính thức được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, trở thành Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên ở Việt Nam và thứ hai của Đông Nam Á.
Qua tìm hiểu kinh nghiệm phát triển du lịch của nhiều quốc gia đi trước và một số tỉnh trong nước, việc thu phí thăm quan vào Công viên địa chất là cần thiết, đã được triển khai phổ biến ở nhiều nơi, góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn và phát triển các khu di sản UNESCO gắn với phát triển du lịch, trong đó có thể kể đến một số điểm thăm quan nổi tiếng như Vịnh Hạ Long (Việt Nam); CVĐC Thạch Lâm (Trung Quốc); CVĐC English Riviera (Vương quốc Anh); Công viên địa chất Jeju (Hàn Quốc)… Tuy nhiên mỗi điểm tham quan có cách làm khác nhau tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn của mỗi quốc gia, mỗi địa phương.
Nguồn kinh phí từ thu phí tham quan sẽ được sử dụng để quản lý, quảng bá, giáo dục, bảo tồn hệ thống di sản của Công viên địa chất; tái đầu tư cho hạ tầng, nâng cao chất lượng trải nghiệm điểm đến cho du khách. Ngoài ra, sẽ giúp tăng nguồn lực để tái đầu tư cho người dân địa phương như nâng cao thu nhập, bảo tồn văn hóa, nâng cao nhận thức cộng đồng; tạo sự công bằng trong sử dụng, tiêu dùng tài nguyên du lịch, di sản; đồng thời góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh để tái đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Công viên địa chất nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung.
Liên quan đến chủ trương này, trước đó tỉnh Hà Giang đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến từ các sở, ban, ngành; các đơn vị quản lý nhà nước; các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành có hoạt động tại vùng CVĐC; các du khách đang tham quan du lịch tại vùng CVĐC; các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú… Nhiều ý kiến của các doanh nghiệp ủng hộ thu phí với phương án nhanh gọn, thuận tiện. Tuy nhiên có nhiều ý kiến khác nhau về phương án, mức thu cụ thể. Đại đa số du khách ủng hộ phương án trả phí theo thời gian lưu trú hoặc trả 1 lần cho các điểm có kế hoạch ghé thăm. Nhiều ý kiến quan tâm đến việc sử dụng nguồn thu cải thiện chất lượng các điểm di sản, hàng hóa, dịch vụ du lịch; cuộc sống cư dân bản địa; vệ sinh môi trường; có thêm nhiều điểm vui chơi, giải trí…
Ở góc độ quản lý, các Sở, ban, ngành, địa phương và cá nhân đều đồng tình ủng hộ phải tăng cường nguồn thu từ du lịch, xã hội hóa các hoạt động đầu tư phát triển du lịch, trong đó đối tượng thụ hưởng tài nguyên du lịch là du khách cần chi trả cho việc tiêu dùng của mình. Về lâu dài, hướng tới các đơn vị quản lý, vận hành di sản, các hoạt động đầu tư phát triển tour tuyến, dịch vụ, hạ tầng, khu vui chơi giải trí phải hoạt động từ nguồn thu trực tiếp và nguồn xã hội hóa, chứ không phải từ ngân sách nhà nước.
Tỉnh Hà Giang đang xem xét phương án thu phí tập trung một lần khi du khách tham quan CVĐC để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, vận hành và đầu tư phát triển các điểm du lịch. Tỉnh cũng đang tiếp tục lấy ý kiến người dân, du khách và đóng góp của các chuyên gia trong ngành để có phương án hiệu quả nhất.
Tỉnh Hà Giang đang xem xét phương án thu phí tập trung một lần khi du khách tham quan CVĐC để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, vận hành và đầu tư phát triển các điểm du lịch.
Được thành lập vào tháng 9/2009, Cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích là 2.356km² gồm bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Đây là vùng núi đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất và quá trình phong hóa tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng dân bản địa.
Với những giá trị hiện hữu, ngày 3/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn chính thức được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, trở thành Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên ở Việt Nam và thứ hai của Đông Nam Á. Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã vượt qua 03 kỳ đánh giá và tiếp tục xuất sắc giữ vững danh hiệu.
Kể từ khi thành lập, tỉnh Hà Giang đã triển khai có hiệu quả công tác xây dựng và phát triển CVĐC, đặc biệt là bảo tồn di sản, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng, phát triển du lịch. Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách mỗi khi có dịp ghé thăm Hà Giang. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, từ năm 2015 đến hết năm 2022, khoảng 65% du khách đến với Hà Giang đều lựa chọn thăm quan khu vực CVĐC. Trong giai đoạn 2010-2020, lượng khách và doanh thu du lịch trên vùng CVĐC tăng trung bình 15-20% mỗi năm, cao hơn mức trung bình toàn tỉnh (10% mỗi năm) và là động lực phát triển du lịch chính của tỉnh./.
Phương Nghi