Ngày 27/6, Đoàn chuyên gia công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO do ông Jianping Zhang - Phó Chủ tịch Ủy ban quốc tế IUGS về di sản địa chất, Phó Chủ tịch Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO làm trưởng đoàn đã đến khảo sát, đánh giá thực địa tuyến du lịch “Trường ca của Lửa và Nước” tại CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh cùng Đoàn chuyên gia UNESCO khảo sát tại Làng nghề đan lát M’nông
Hỗ trợ đoàn còn có các chuyên gia đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cùng các nhà Khoa học, Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
Tiếp và làm việc với đoàn có bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Ban quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông cùng các thành viên ban quản lý, đại diện sở ngành, địa phương liên quan.
Đoàn chuyên gia UNESCO trải nghiệm leo đèo băng qua cánh đồng ngô tại tuyến dừng chân Dãy núi lửa Nâm Kar
Tại buổi khảo sát, Đoàn chuyên gia UNESCO đã khảo sát các điểm dừng chân như Trung tâm thông tin công viên địa chất, làng nghề đan lát M’nông, khám phá tuyến đi bộ trong rừng, dãy núi lửa Nâm Kar… nhằm có bước đánh giá sơ bộ để thảo luận và biểu quyết kết quả đợt tái thẩm định.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng Đoàn tái thẩm định CVĐCTC UNESCO bức tranh do nghệ sĩ tại Ngôi nhà may mắn vẽ
“Trường ca của Lửa và Nước” là tuyến du lịch thuộc CVĐCTC UNESO Đắk Nông với 14 điểm dừng chân, trải dài từ thành phố Gia Nghĩa đến huyện Krông Nô. Đây là tuyến du lịch có nhiều hệ thống hang động núi lửa bazan hoang sơ, phân bố dọc sông Krông Nô được phát hiện từ năm 2007; là hệ thống hang động núi lửa dài và đẹp nhất Đông Nam Á, có hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau với tổng chiều dài khoảng 25 km từ miệng núi lửa Buôn Choáh dọc theo sông Sêrêpốk đến khu vực thác Đray Sáp. Bên trong các hang động có nhiều cấu tạo đặc trưng của quá trình phun trào núi lửa như ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt cùng các di tích thực vật và quá trình đông cứng dung nham bazan xảy ra cách đây hàng triệu năm.
Chuyên gia UNESCO khảo sát hóa thạch bên trong Hang động C4
Trong ngày 28/6, Đoàn chuyên gia UNESCO sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá thực địa tuyến du lịch “Bản giao hưởng của Làn gió mới” bắt đầu từ huyện Cư Jút đến thành phố Gia Nghĩa.
Y Sơn