Hai khu du lịch Mũi Cà Mau và Bãi Khai Long (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) đã bị sóng biển cuốn mất vài hec ta đất thịt.
Theo ông Nguyễn Quốc Khải, ban quản lý khu du lịch Bãi Khai Long, tháng 9 tới, vào mùa nước dâng cao và thuận gió, tình trạng sạt lở còn kinh hoàng hơn.
Bất lực nhìn đất lở
Trở lại hai khu du lịch sinh thái lớn là Mũi Cà Mau và Bãi Khai Long (ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) vào dịp cuối tháng 8, du khách hết sức bàng hoàng trước cảnh điêu tàn nơi đây. Tất cả, từ những con đường bộ hành, những chòi nghỉ chân cho du khách đến sân bóng đá... đều đã bị sóng biển nuốt chửng.
Trước đây, khu du lịch Mũi Cà Mau lừng danh với mũi đất lấn biển (mỗi năm từ 50 đến 80m). Thế nhưng hiện nay, toàn bộ rìa đất giáp biển dài hơn 1 km quanh khu du lịch đều bị tổn thương bởi những vết cắt ngọt lịm. Sau khi khảo sát, Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau ghi nhận thực tế bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng. Hai bên lối ra nhà hàng thủy tạ, đất thịt bị lở sâu 5-10m. Cá biệt có một số điểm đất thịt bị cuốn mất 20-40m. Ban quản lý khu du lịch Mũi Cà Mau cho biết họ đã hai lần làm bờ kè chống xói lở nhưng đều bị sóng biển cuốn mất.
Tại khu du lịch Bãi Khai Long, tình trạng sạt lở còn nghiêm trọng hơn. Ông Hồ Vinh Hiền, Phó Giám đốc Công ty Công Lý (đơn vị quản lý, khai thác khu du lịch Bãi Khai Long), cho biết trong ba năm gần đây, sóng biển đã nuốt mất trên 300 m đất thịt cùng hai bờ kè chống sạt lở của khu du lịch. Đồng thời phá hủy nhiều công trình kiến trúc phục vụ du lịch trị giá gần chục tỷ đồng.
Ông Khải tâm sự: “Mỗi khi vào mùa nước lên, chúng tôi chỉ biết bất lực ngồi nhìn từng mảng đất, từng phần kiến trúc trôi đi. Đầu mùa mưa này, trong cơn bão số 6 và áp thấp nhiệt đới, có đêm biển lấn vào đất liền đến 12 m. Thật đáng sợ!”.
Ngoài hai khu du lịch nói trên, khu đất liền cập bãi cát dài trên 4km ở bãi Khai Long cũng bị sạt lở nghiêm trọng.
Nguyên nhân: Sự biến đổi khí hậu?
Trở về sau đợt khảo sát ở khu du lịch Mũi Cà Mau, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết: “Tình hình sạt lở đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, nhất là 2-3 năm trở lại đây. Hiện các ngành chức năng vẫn chưa có đánh giá nguyên nhân cụ thể nhưng theo tôi, chủ yếu do sự biến đổi khí hậu”.
Ông Tống Lê Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau, cũng đồng quan điểm: “Những tác động của con người đến thiên nhiên vùng ven biển Cà Mau không đáng kể. Mười năm trước, khu du lịch Mũi Cà Mau có đào một đường hào quanh mé biển nhưng nay đã lấp lại. Còn khu du lịch Bãi Khai Long gần như không đào bới đất, cát quanh bãi. Do vậy, theo tôi nguyên nhân chủ yếu là sự biến đổi khí hậu”.
Để khắc phục, khu du lịch Mũi Cà Mau đang xây một bờ kè kiên cố trị giá trên 12 tỷ đồng. Khu du lịch Bãi Khai Long cũng có dự án tương tự. Tuy nhiên, theo ông Hoai, biện pháp tốt nhất, mang tính bền vững là tạo được vành đai thực vật lấn biển tự nhiên. Sự biến động dòng chảy và thay đổi khí hậu mấy năm gần đây phần nào ảnh hưởng đến việc hình thành vành đai lấn biển tự nhiên. Trung ương cũng đã có kế hoạch làm đê bao và tạo vành đai lấn biển, giữ đất cho không chỉ Cà Mau mà cả các tỉnh ven biển và đây là giải pháp tốt nhất.