Khoa học khám phá điều bất ngờ khi du khách đến Đồ Sơn

Cập nhật: 05/07/2023
Nhờ hiện tượng thủy triều tại Hòn Dấu, du khách đến Đồ Sơn, Hải Phòng (càng gần Hòn Dấu càng tốt) thì cơ thể họ như được tập dưỡng sinh, như được thiền.

Biển Đồ Sơn luôn đông du khách đến tắm biển

Thủy triều tại khu vực Hòn Dấu đã được các nhà khoa học thuộc Phòng Cơ học và Môi trường Biển (DMME), Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu kỹ lưỡng bằng nhiều cách tiếp cận.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, đảo Hòn Dấu có thể được chọn cho nghiên cứu khoa học về hải dương học; xây dựng ở khu vực gần Hòn Dấu nhà máy điện thuỷ triều; phòng thí nghiệm quan trắc thiên văn, và đặc biệt là xây dựng khu nghỉ dưỡng hồi phục sức khoẻ. 

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội như vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên tại Hải Phòng, du lịch ở Đồ Sơn và Cát Bà, thì thủy triều tại Hòn Dấu cũng có thể được coi là một tài nguyên thiên nhiên quý giá.  

Khu vực Đồ Sơn là một điểm du lịch nổi tiếng từ đầu thế kỷ 20. Hiện nay, Đồ Sơn là một quận thuộc thành phố Hải Phòng. Đồ Sơn nổi tiếng với cảnh quan đẹp của biển và đảo. GS. Nguyễn Ngọc Thụy trong nghiên cứu (năm 1984) "Thủy triều biển Việt Nam" đã khẳng định rằng Hòn Dấu là một điển hình cho thuỷ triều đều trên thế giới.

Người dân địa phương ở Đồ Sơn cũng có kiến thức dân gian về chế độ thuỷ triều tại Hòn Dấu liên quan đến âm lịch, vì triều lên (triều xuống) lặp lại đều đặn sau 2 tuần hay 14 ngày.

Sự lên xuống đều đặn của mực nước biển tại Hòn Dấu kéo theo sự lên xuống đều đặn của lớp không khí cận kề bề mặt nước biển. Tính chất nhật triều đều cũng có ở lớp không khí này. Sự vào ra của luồng không khí qua phổi cũng như qua các luân xa giúp cơ thể thu năng lượng, thải chất độc hại. Chính vì thế nếu du khách được ngủ, nghỉ, thư giãn tại Đồ Sơn (càng gần Hòn Dấu càng tốt) cơ thể họ như được tập dưỡng sinh, như được thiền. 

Hòn đảo này được xem là khu nghỉ dưỡng, thư giãn tuyệt vời bởi vẻ đẹp bình yên và hoang sơ vốn có.

Khu vực biển từ Trà Cổ đến Sầm Sơn, bức tranh triều biến đổi theo thời gian khá giống với Hòn Dấu. Điều này khẳng định nghỉ tại khu vực biển này cũng là điều dưỡng. 

Với mực nước biển có dạng hình sin, lên xuống đều đặn ngày một lần, khu vực Hòn Dấu ngoài là nơi điều dưỡng lý tưởng còn có thể được chọn làm địa điểm nghiên cứu hải dương học, thiên văn học và xây dựng nhà máy điện thủy triều.

Hòn Dấu là một hòn đảo nhỏ nằm ở vịnh Bắc Bộ, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng,, với diện tích khoảng 10 ha. Tại đây Trạm Thủy văn Quốc gia Hòn Dấu đã tồn tại hơn 100 năm. Mực nước thủy triều trung bình tại Hòn Dấu đã được chọn làm không hải đồ của Việt Nam, dựa trên mực nước trung bình lên xuống của thủy triều tại đây. Thủy triều Hòn Dấu nổi tiếng với tính điều hòa và đặc biệt có chu kỳ ngày.

Với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên - lịch sử - văn hoá thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, với các ngành mũi nhọn là du lịch - dịch vụ và kinh tế biển, những năm qua, Đồ Sơn đã trở thành mũi nhọn của ngành “công nghiệp không khói” của Hải Phòng.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, nhiều dự án trọng điểm đã được triển khai trên địa bàn quận Đồ Sơn như: Tuyến đường bộ ven biển, đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ đường bộ ven biển đến ngã ba Vạn Bún, khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, khu phức hợp du lịch, nhà ở thương mại, vui chơi giải trí quốc tế và mở rộng sân golf của tập đoàn BRG;… từng bước góp phần thay đổi diện mạo và mở rộng không gian đô thị, tăng kết nối liên vùng, thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế quận Đồ Sơn theo hướng du lịch - dịch vụ.

Đặt mục tiêu phục hồi kinh tế, phát huy tiềm năng lợi thế, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thu hút các nguồn lực để xây dựng và phát triển quận Đồ Sơn trở thành đô thị du lịch biển theo hướng hiện đại, thông minh, năm 2023, ngành du lịch địa phương này phấn đấu đón phục vụ 2,5 triệu lượt khách; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống phấn đấu đạt 2.270 tỷ đồng.

Một điểm du lịch tại Đồ Sơn.

Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian qua, quận Đồ Sơn đã tập trung huy động mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, cải thiện giao thông, tăng kết nối liên vùng; tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp du lịch từng bước phục hồi, phát triển; tăng cường nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn…

Như Ngọc

Nguồn: Tạp chí Du lịch TP HCM - tcdulichtphcm.vn - Đăng ngày 03/07/2023