Xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử của người Mường và hội tụ giá trị độc đáo, tri thức dân gian lịch Tre (lịch Đoi/Roi) của người Mường Hòa Bình vừa được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Dựa vào các phân kỳ thời gian trong một năm và cách tính toán trên cơ sở sự vận động của mặt trăng kết hợp với các sao, người Mường Hòa Bình khám phá ra những quy luật tự nhiên, ứng dụng trong đời sống hằng ngày.
Nghệ nhân Mo Bùi Văn Lựng, xã Phong Phú (Tân Lạc) nắm giữ và sử dụng lịch Tre xem ngày tốt cho các công việc của mường.
Theo nghệ nhân Mo Mường Bùi Văn Lựng, xóm Mường Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc), lịch Tre có vai trò đặc biệt trong cuộc sống cộng đồng người Mường, là khối tài sản về tri thức dân gian vô giá. Bên cạnh cách tích lịch Tây thông dụng, tất cả mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, phong tục, nghi lễ, lễ hội của cộng đồng, những việc quan trọng của mỗi người, mỗi gia đình người Mường ở Hòa Bình đều dựa vào cách tính cát, hung của bộ lịch Tre.
Bộ lịch Tre của người Mường Hòa Bình gồm 12 thẻ, làm từ những thanh tre được dóc, vót, đánh bóng cẩn thận. Trên thẻ tre có khắc các khắc, vạch, chấm (gọi chung là các ký hiệu, biểu tượng) biểu thị ngày, tháng và các hiện tượng quy luật trong tự nhiên hàng tháng trong năm. Trên mỗi thẻ tre có các bộ phận chính gồm: gốc lịch, sống lịch, mặt lịch. Tất cả các thẻ tre đều khắc 30 khắc tương đương với 30 ngày trong 1 tháng. Theo cách tính lịch, các ngày từ 1-10 gọi là "ngày cây”, từ ngày 11-20 gọi là "ngày lồng”, từ ngày 21-30 gọi là "ngày cuối”. Ở vùng Mường Bi nói riêng, các vùng Mường khác nói chung, người Mường thường tổ chức việc quan trọng vào những ngày đầu tháng (ngày cây), tránh những ngày kỵ.
Hiện nay, ngoài sử dụng trong nhân dân, bộ lịch được lưu giữ tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, Bảo tàng tư nhân Văn hóa Mường trên địa bàn thành phố Hòa Bình nhằm bảo tồn, giới thiệu đến người dân và du khách. Nghệ nhân Bùi Thanh Bình, nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian dân tộc Mường cho rằng: Bộ lịch chính là sự tổng hợp, đúc kết qua nhiều đời của người Mường xưa, biểu hiện rực rỡ của tư duy Mường - Việt trong nhận thức thế giới, qua quan sát sự vận động của mặt trăng, đặc tính của trăng trong chu kỳ tháng cũng như sự vận chuyển của sao Đoi để phân định thời gian, ngày, giờ, tuần, tháng, năm. 12 thẻ tre của bộ lịch tương ứng 12 tháng. Trong đó, số ngày trong tháng ghi theo lối khắc gạch những ngày tốt, xấu, ngày mưa, ngày gió, ngày cá, ngày thú, ngày đại cát hay ngày xích khẩu… để đi làm ăn, làm nhà mới, cưới vợ, gả chồng hay công to việc lớn trong mường.
Cho đến những năm cuối thế kỷ XX, lịch Tre vẫn được sử dụng khắp các vùng Mường. Toàn tỉnh hiện còn 5 bộ lịch tre cổ có từ hàng trăm năm và khoảng hơn 100 bộ lịch tre sao chép làm mới đang được lưu giữ, sử dụng trong nhân dân. Tri thức dân gian này chủ yếu được các ông mo và một số ít người cao tuổi ở 4 vùng Mường (Bi, Vang, Thàng, Động) nắm giữ. Để bộ lịch độc đáo này không bị mai một, thất truyền, tỉnh đã lập hồ sơ khoa học về di sản văn hóa. Cùng với Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường, tri thức dân gian lịch Tre của người Mường Hòa Bình được chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2022.
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nhận định: Việc bảo tồn, không để mai một di sản văn hóa lịch Tre cần được tiếp tục tăng cường. Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nghiên cứu để đưa vào thực tiễn, truyền dạy, ứng dụng trong đời sống sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, đưa di sản văn hóa lịch Tre và các di sản văn hóa đặc sắc khác trở thành tài nguyên du lịch nhân văn, có giá trị văn hóa, ý nghĩa lịch sử to lớn gắn với phát triển du lịch.
Bùi Minh