Giá trị di sản của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông

Cập nhật: 10/07/2023
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông nằm ở phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, đồng thời cũng là một phần của cao nguyên M’Nông. Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực.

Công viên địa chất Đắk Nông được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO từ năm 2020 với diện tích 4.760 km2 trải dài qua 6 huyện, thành phố gồm: Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và TP Gia Nghĩa. Đây là vùng đất có sự đa dạng về di sản địa chất, sinh học, xã hội và hội tụ những tiêu chí của một Công viên địa chất toàn cầu.  Điểm nổi bật nhất trong Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông là hệ thống hang động trong đá bazan, phân bố ở khu vực Đ’ray Sáp-Chư Bluk phát hiện từ năm 2007, được Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về quy mô, độ dài cũng như tính độc đáo.

Miệng hang núi lửa C7 tại Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.

Các công viên địa chất khác ở miền Bắc nước ta, chủ yếu là đá vôi, chiếm diện tích đến 60-70%. Trong khi đó, Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông có hơn một nửa diện tích là đá phun trào bazan, về sau phân hóa ra thành đất đỏ trù phú mang lại nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp, cây ăn quả. Toàn hệ thống Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông có hàng trăm hang động núi lửa, nhưng cho đến nay mới có khoảng 50 hang động núi lửa đã được điều tra, khảo sát, đo vẽ. Trong đó, có hang dài hơn 1km, tổng chiều dài các hang động cho đến nay được đo vẽ là hơn 10.000m.

Hệ thống hang động độc đáo tại Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông. 

Trong khu vực Công viên địa chất còn có các di sản địa kiểu cổ sinh như các hóa thạch Cúc đá, các khuôn cây trong đá bazan; có các dãy núi cao phân bậc địa hình, các hồ nước tự nhiên đầy thơ mộng như hồ Ea Snô, hồ Trúc, hồ Tây… các miệng núi lửa độc đáo và đặc trưng như Chư R’luh, Nâm Kar, Băng Mo…. và hệ thống các thác nước đẹp, hùng vĩ như thác Gia Long, thác Băng Rúp, Dray Sáp…

Hệ thống động thực vật trong Công viên địa chất rất phong phú với nhiều giống, loài quý hiếm, có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như: Voi, hổ, bò rừng và nhiều loài linh trưởng (Voọc Đen má trắng, Chà Vá chân đen, bò sát, chim Hồng Hoàng, Gà tiền mặt đỏ); Sồi Ba cạnh, Đỉnh Tùng, Sao, Trắc, Giáng Hương, Căm xe… Đây là tiềm năng lớn để Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông phát triển các mô hình du lịch sinh thái, thám hiểm, nghiên cứu về đa dạng sinh học… thu hút các nhà khoa học cũng như du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu.

Công viên địa chất Đắk Nông còn là khu vực có bề dày văn hóa, lịch sử, với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; di tích cấp quốc gia đặc biệt Đường mòn Hồ Chí Minh và 5 di tích cấp quốc gia khác như: Ngục Đắk Mil, Căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV, Di tích lịch sử lưu niệm N’Trang Gưh, Địa điểm Chiến thắng Đồi 722 – Đắk Sắk, Địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ.

Đắk Nông đã xây dựng các tuyến du lịch để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Công viên địa chất toàn cầu. Ảnh: TB.

Công viên địa chất toàn cầu là danh hiệu dành cho một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý - hành chính rõ ràng, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội... Tất cả cùng được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể. Đây là Công viên địa chất toàn cầu thứ ba ở Việt Nam, sau Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng (Cao Bằng). Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Công viên địa chất toàn cầu, Đắk Nông đã xây dựng được 3 tuyến du lịch Công viên địa chất gồm “Trường ca của nước và lửa”, “Bản giao hưởng của làn gió mới”, “Âm thanh từ trái đất” với 44 điểm di sản.

Hồng Hạnh

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 07/07/2023