Nếu như trước đây, bảo tàng không nằm trong danh sách những nơi cần phải đến của khách du lịch khi đến Việt Nam, hay của chính những người dân Việt Nam, thì nay mọi thứ đang dần thay đổi.
Nhìn dòng người xếp hàng dài mua vé vào tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò ngay cả trong những ngày hè nắng nóng như đổ lửa, hay tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TPHCM), Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Gốm sứ Bát Tràng… luôn có đông du khách đến tìm hiểu, tham quan... cho thấy các bảo tàng, di tích đã thực sự "chuyển mình" để phá bỏ quan niệm đi bảo tàng là nhàm chán.
Khách tham quan xếp hàng mua vé vào Di tích Nhà tù Hoả Lò - Ảnh: VGP
Để Bảo Tàng chuyển từ "Tĩnh" sang "Động"
Mai Anh, sinh viên năm thứ 3 Học viện Ngân hàng vừa kết thúc chuyến tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò chia sẻ: Gần đây em dành cho mình những ngày cuối tuần để tham quan các bảo tàng, di tích. Trước đó em và các bạn không có thói quen này. Chúng em thường lựa chọn những nơi có phong cảnh đẹp, du lịch những nơi có biển, có núi vào dịp nghỉ hè. Và sự thay đổi này không phải là ngẫu nhiên. Chúng em bị thu hút, hấp dẫn bởi thông tin trên các phương tiện truyền thông, fanpage của các bảo tàng, di tích. Và khi đến đây em thấy thực sự ấn tượng.
Mai Anh - Sinh viên năm thứ 3 Học viện Ngân hàng tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: VGP
"Ấn tượng từ cách trưng bày, đến các thiết bị công nghệ giúp mình trải nghiệm một cách chân thật, sống động hơn. Khi đi tham quan, nếu chỉ đọc ghi chú không thôi, chúng ta sẽ quên nhanh. Nhưng khi nghe thuyết minh trong radio với giọng nói truyền cảm, gắn cùng những hiện vật trưng bày theo chủ đề, sẽ in sâu vào tâm trí và cho mình nhiều cảm xúc, giống như mình đang ở trong thời điểm đó, cảm nhận được cha ông ta đã phải trải qua những gian khổ như thế nào. Cách hướng dẫn người xem chi tiết, dịch vụ cho khách tham quan chu đáo khiến em cho điểm cộng đối với Di tích Nhà tù Hỏa Lò", Mai Anh chia sẻ.
Cô gái trẻ Jessica đến từ New Zealand, tham quan tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng cho biết, sau khi đi thăm một số di tích, như: Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, cô cùng bạn vào đây để tìm hiểu thêm về nền mỹ thuật Việt Nam. Với ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, du khách có thể cài vào app điện thoại của mình để nghe giới thiệu về các tác phẩm mỹ thuật bằng 8 thứ tiếng. "Thật là tuyệt vời khi tôi có thể tự tìm hiểu về nền mỹ thuật Việt Nam một cách chủ động và nhanh nhất", Jessica hồ hởi chia sẻ.
Có thể nói, mục tiêu hướng tới công chúng, vì công chúng và cho công chúng đang được các bảo tàng, di tích hướng tới. Trọng tâm của bảo tàng đã chuyển từ tập trung vào các hiện vật sang những con người đằng sau các hiện vật và những câu chuyện về lịch sử, văn hoá, đời sống xã hội.
Khách tham quan tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Ảnh: VGP
Theo đó, các bảo tàng phải đổi mới toàn diện, từ hệ thống trưng bày thường xuyên, trưng bày chuyên đề, đến phương pháp tiếp cận cộng đồng, cách lựa chọn và kể chuyện về hiện vật. Mọi hoạt động phải hướng tới công chúng, lấy công chúng làm mục tiêu và động lực để phát triển.
Làm điều này sớm nhất có lẽ là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Từ khi mở cửa đón khách, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã giúp khách tham quan được nghe người dân trực tiếp chia sẻ văn hóa của mình, thông qua những clip dựng bằng lời, các buổi biểu diễn. Bảo tàng có các khu trưng bày ngoài trời, là những ngôi nhà của nhiều dân tộc ở khắp các miền của đất nước. Người dân được tự đưa ra ý tưởng, tự tay lựa chọn những hình ảnh, hiện vật của dân tộc mình để trưng bày, giới thiệu cho du khách. Đặc biệt, trong Bảo tàng có phòng trải nghiệm cho trẻ em, có bảo tàng bỏ túi bằng công nghệ 3D.
Mô phỏng đám tang của người Mường tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Nguồn: thanhnien.vn
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có những hoạt động trải nghiệm được thiết kế ngoài không gian trưng bày dành cho khách tham quan tham gia, như tổ chức cho các bạn nhỏ được tự tay làm những món đồ chơi truyền thống trong dịp tết Trung thu như đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, phỗng đất,...
Đưa "Hơi thở" cuộc sống vào Bảo tàng
Hẳn nhiều người chưa quên trưng bày chuyên đề "Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp", được tổ chức vào năm 2006-2007 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, mà theo PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc Việt Nam, "trưng bày này đã gây 'chấn động' đối với người xem ở Hà Nội, cũng như cả nước và quốc tế, vì đã nói được câu chuyện chân thực, trưng bày được những gì mà người xem muốn nghe, muốn xem; đã lựa chọn được chủ đề đáp ứng được nhu cầu của người xem".
Trưng bày đã kể một cách chân thật nhất cuộc sống thời bao cấp của người dân Hà Nội. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tạo ra sự hấp dẫn bởi cách trưng bày, cách tiếp cận và thể hiện mới mẻ, kể câu chuyện cũ bằng câu chuyện mới.
PGS.TS. Nguyễn Văn Huy hướng dẫn khách tham quan tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên - Ảnh: VGP
Tháng 3/2018, triển lãm "Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập 1868-1966" được tổ chức với hơn 500 tư liệu có giá trị lịch sử và hiện vật quý, nhằm làm rõ câu chuyện về dinh Norodom – biểu tượng của chính quyền Pháp ở Nam Kỳ, được đổi tên là dinh Độc Lập năm 1954 và tồn tại gần 100 năm đến nay. Bên cạnh đó, sử liệu về cuộc đời tổng thống Ngô Đình Diệm cũng lần đầu tiên được trưng bày phục vụ du khách tham quan.
Triển lãm diễn ra tại ngôi nhà 2 tầng xây từ thời Pháp thuộc, trong khuôn viên dinh Độc Lập nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày dinh thự này được người Pháp xây dựng nên. Tầng một của triển lãm giới thiệu sự ra đời của dinh Norodom với 4 chủ đề: Xây dựng đô thị Sài Gòn thời thuộc địa, Dinh Norodom, Những gương mặt Sài Gòn, Sài Gòn năng động.
Ở tầng 2 ngôi nhà trưng bày tư liệu về sự hình thành và sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm cùng quá trình xây dinh Độc Lập. 6 chủ đề liên quan đến nhân vật đổi tên và cho xây dinh Độc Lập gồm: Gia đình trị, Cuộc chiến giành chính quyền ở Sài Gòn, Đời sống Sài Gòn, Vụ ném bom đảo chính 1962, Khủng hoảng năm 1963 và Xây dựng dinh Độc Lập mới.
Khách tham quan tại triển lãm "Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập 1868-1966" - Ảnh: VGP
Trong đó, nhiều tư liệu về cuộc đời đầy biến cố của ông Diệm lần đầu được sử dụng, gây sự chú ý của nhiều khách tham quan. Tại triển lãm, người xem không chỉ được tận mắt nhìn, nghe thuyết minh qua các thiết bị công nghệ, mà còn được khám phá những đồ vật gắn liền với từng nhân vật trong gia đình ông Ngô Đình Diệm.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, đó là cuộc trưng bày đổi mới, trưng bày về lịch sử một cách đa chiều, đó cũng là sự thay đổi tư duy về trưng bày. Khi chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, kể câu chuyện thật một cách sống động qua trưng bày sẽ rất thu hút khách.
Ông Nguyễn Văn Huy cho rằng, để thu hút khách, các bảo tàng phải đáp ứng được xu thế quan trọng của thế giới, đó là đến bảo tảng phải được trải nghiệm, không chỉ xem mà phải phát huy được tất cả giác quan của con người như sờ, nắm, nghe… câu chuyện đó dù ở bất kỳ thời kỳ nào.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ThS. Bùi Thị Hoàn, Giám đốc Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, sự đổi mới ở các bảo tàng di tích phải mang tính đồng bộ và có tính chiến lược phù hợp với xu hướng phát triển của bảo tàng trong nước và thế giới. Tuy nhiên cần phải phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi bảo tàng, trong đó đổi mới công tác quản lý bảo tàng đóng vai trò quan trọng.
Theo bà Bùi Thị Hoàn, các hoạt động của bảo tàng cũng cần có sự đổi mới theo hướng đem đến cho công chúng những vấn đề mà công chúng quan tâm, hay nói cách khác mang "hơi thở của cuộc sống" vào bảo tàng. Xuất phát từ nhu cầu của công chúng, cùng với sự cạnh tranh với các loại hình văn hóa, giải trí khác, sự phát triển của khoa học công nghệ,… làm cho bảo tàng không ngừng vận động, phát triển và đổi mới. Phát huy giá trị di sản của bảo tàng không chỉ hướng tới trang bị cho công chúng những nhận thức mới, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, mà còn tạo cơ hội tự học tập, khơi gợi những ý tưởng sáng tạo, củng cố các giá trị nhân văn, cố kết cộng đồng.
"Nếu trước đây, bảo tàng là nơi để công chúng khám phá kho tàng ký ức, thì ngày nay bảo tàng hiện đại còn phải chú trọng gợi mở các ý tưởng mới, thông qua việc tạo dựng sợi dây liên kết giữa quá khứ-hiện tại-tương lai. Tham quan trưng bày bảo tàng không còn là hoạt động nhận thức thụ động, mà trở thành quá trình khám phá, trải nghiệm, tương tác, đối thoại của người tham quan với thế giới thông qua ngôn ngữ bảo tàng", bà Bùi Thị Hoàn nói.
Có thể nói, với sự đổi mới, các bảo tàng đã giúp người xem được tiếp nhận các giá trị văn hóa lịch sử từ trọn vẹn những rung động, xúc cảm cá nhân, từ đó các bảo tàng, di tích cứ thể lan tỏa sức hấp dẫn một cách tự nhiên tới đông đảo công chúng.
Diệp Anh - Dương Tuấn